Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn
Bình Thuận có lợi thế bởi vị trí địa lý thuận lợi với hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn ở khu vực phía Nam và duyên hải miền Nam Trung bộ. Có 192 km chiều dài bờ biển với nhiều đảo lớn nhỏ, bên cạnh đó là những đồi cát rộng mênh mông, rừng, hồ, sông, suối, thác có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Địa hình có cả vùng đồi núi, đồng bằng, ven biển và vùng lãnh hải rộng lớn, những tiểu vùng khí hậu đặc trưng là lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện (nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp), sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong đó có du lịch nông thôn. Bình Thuận còn có các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Đình Vạn Thủy Tú, Đình làng Đức Nghĩa, Đình làng Đức Thắng, Dinh Thầy Thím, Nhóm đền tháp Chăm Pôđam, Chùa Hang, Đền thờ vua Chăm Pô Klong Mơh Nai, Chùa núi Tà Cú, Vạn An Thạnh… Các tài nguyên văn hóa, nghệ thuật phi vật thể có các lễ hội như: Katê, Ramưwan, Dinh Thầy Thím, đua thuyền trên sông Cà Ty, Nghinh Ông của cộng đồng người Hoa tại thành phố Phan Thiết, Lễ hội Trung thu… Bên cạnh đó, còn có di sản văn hóa cồng chiêng trong văn hóa các dân tộc ít người và những điệu múa rộn ràng, các làn điệu dân ca của các dân tộc Châu Ro, dân tộc Raglai và dân tộc Chăm là những di sản văn hóa vô giá của tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó còn có các đặc sản, văn hóa ẩm thực như nước mắm Phan Thiết là thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là biểu tượng đặc trưng riêng của Phan Thiết. Mực một nắng món đặc sản ngon nhất của tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, còn có hải sản khô, cá cơm, các loại mắm, cá tẩm gia vị và trái thanh long là thương hiệu trái cây nổi tiếng của Bình Thuận. Văn hóa ẩm thực Bình Thuận luôn mang hương vị đậm đà của những món ăn đặc sản vùng biển như bánh xèo, bánh căn, bánh hỏi, gỏi cá mai, cá đục, cá suốt, chang chang, dông, cua huỳnh đế, cháo hàu, sò điệp… Các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều mang tính đặc trưng rất riêng như: Khu du lịch ở huyện Tánh Linh gắn với các chuỗi sản phẩm như hạt điều, cá thát lát, đồ gỗ mỹ nghệ các loại. Khu du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt, huyện Tuy Phong gắn với các chuỗi sản phẩm khác như nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây đinh lăng, thị xã La Gi gắn với các sản phẩm hải sản tươi sống các loại, trên địa bàn thành phố Phan Thiết gắn với các quảng bá và bán sản phẩm nước mắm, hải sản các loại, thanh long, cốm Bình Thuận, bánh rế, tranh cát Phi Long và các sản phẩm như bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rômô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu ở huyện Đức Linh, dịch vụ tham quan và bán hàng tại các vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam.
Sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng
Thực tế hiện nay cho thấy, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Bình Thuận vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư, quy hoạch, chưa thu hút được nhiều du khách. Bên cạnh đó lao động chưa được đào tạo, thiếu kiến thức, kỹ năng về du lịch nông nghiệp, công tác quản lý Nhà nước về loại hình du lịch này chưa được hoàn thiện, thiếu sự liên kết, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại phát triển dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, sự tham gia trực tiếp của người nông dân trong hoạt động du lịch sẽ tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nếu phát triển được loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Bình Thuận. Hiện nay tại Bình Thuận số lượng trang trại cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp không nhiều, đối với các trang trại có quy mô đầu tư lớn chưa tham gia làm du lịch nông nghiệp. Theo định hướng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh sẽ hình thành các khu vực du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh. Phát triển các dự án du lịch nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch, phát triển các dự án thành phần, trong đó ưu tiên các nguồn lực để triển khai các dự án thành phần của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh bao gồm dự án làng văn hóa du lịch gắn với các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Tạo thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Đối với các điểm du lịch cộng đồng sẽ quy hoạch đồng bộ, quản lý chặt chẽ, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch sẽ, thân thiện. Tập trung tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch nông thôn, tạo điều kiện để các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phát triển mạnh trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời tuyên truyền vận động các hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mô hình kết hợp du lịch nông thôn để phục vụ phát triển du lịch mang lại hiệu quả kinh tế. Phát triển các dự án thành phần nhằm phát triển các dịch vụ du lịch và bán hàng tại các địa điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của các cấp đối với công tác bảo vệ môi trường, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể trong doanh nghiệp cũng như với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.