1. Cuối ngày 16/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng số người của thành phố đã được tiêm vắc xin đến nay là gần 8,4 triệu người, trong đó đã có hơn 2,2 triệu liều vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc) được tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên và người dân, tất cả đều diễn ra an toàn. Tiêm phủ vắc xin là chìa khóa quan trọng để khôi phục trạng thái bình thường mới và mở rộng kinh tế - xã hội. Điều này đang được người dân TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hết sức hưởng ứng.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đình Hòa |
Cùng thời điểm, tại thủ đô Hà Nội, chỉ trong 1 tuần cũng có hơn 1 triệu liều vắc xin Vero Cell được tiêm cho đối tượng ưu tiên và người dân. Đến chiều 15/9, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách, cho phép một số dịch vụ trở lại hoạt động bình thường, trong đó có các dịch vụ ăn, uống được bán mang về... Tại Hà Nội, những người được tiêm 2 mũi vắc xin, cũng được thành phố cho phép ra ngoài đi làm, trường hợp được tiêm 2 mũi nếu là F1 sẽ được cách ly tại nhà... Trước đó Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc cũng đã tiến hành tiêm phủ vắc xin khá sớm, trong đó có vắc xin Vero Cell, đây là kết quả đưa đến trạng thái bình thường của nhiều địa phương như hiện nay.
Vắc xin phòng Covid-19 đang được xem là chìa khóa giúp chúng ta sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, các quốc gia đang tìm nhiều cách để tiêm chủng vắc xin nhanh nhất, sớm nhất cho người dân, sớm đạt tỷ lệ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Đối với vắc xin Vero Cell, ngày 7/5/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%, trở thành vắc xin thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách. Đây cũng là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO. Việt Nam là một trong những nước cấp phép tiêm sau cùng và nhận số liều ít nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới, trong đó có Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Hungary... Thế nhưng hiện vẫn còn nhiều sự hoài nghi do thiếu tiếp cận thông tin về loại vắc xin này.
2. Bình Thuận chúng ta có dân số khoảng 1,3 triệu người, và qua thống kê sẽ có 865.494 người dân ở độ tuổi từ 18 trở lên nằm trong diện tiêm vắc xin. Trong khi đó tỉnh hiện mới chỉ được cấp 174.640 liều, đạt 10% dân số được tiêm (mỗi người 2 mũi). Có dư luận cho rằng, Bình Thuận chưa tranh thủ đúng mức lượng vắc xin mà Bộ Y tế phân bổ. Tuy nhiên nếu đem so sánh với các địa phương lân cận như Lâm Đồng 892.000 dân trên 18 tuổi, mới được phân bổ 162.000 liều; Đắk Lắk dân số trên 18 tuổi là 1,259 triệu nhưng cũng chỉ mới khoảng 151.000 liều và rất nhiều tỉnh, thành khác, thì đây cũng là sự quan tâm và sự nỗ lực của tỉnh ta trong việc tranh thủ nguồn vắc xin phân bổ. Theo nguyên tắc của chương trình COVAX (cơ chế liên minh vắc xin gồm 190 nước, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả), việc phân bổ nguồn vắc xin từ các nước sản xuất ra, hay viện trợ của các nước cần, đều phân bổ và dựa trên tình hình dịch bệnh của các nước. Do đó 3 đợt dịch trước Việt Nam chúng ta được xem là "vùng xanh" nên việc ưu tiên vắc xin có phần hạn chế hơn. Tương tự, lượng vắc xin Bình Thuận được Bộ Y tế phân bổ đến thời điểm này nếu đem so với 19 tỉnh, thành phía Nam (thực hiện Chỉ thị 16), thì chúng ta sẽ ít hơn. Đó cũng là nguyên tắc phân bổ vắc xin trong phòng chống dịch mà tỉnh ta đang vận dụng, khi ưu tiên phần lớn vắc xin được phân bổ về tỉnh cho La Gi và TP. Phan Thiết (do cả 2 là vùng đỏ). Đồng thời, có một vấn đề lưu ý là việc tiêm loại vắc xin gì, cho đối tượng nào đều phụ thuộc vào phân bổ của chương trình COVAX và Bộ Y tế theo nguyên tắc, phân bổ đến đâu tiêm hết đến đó.
Vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm. |
3. Hiện nay, tuy các "điểm nóng" đã được khống chế, nhưng tình hình dịch Covid-19 trong tỉnh đang còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là tỉnh ta có vị trí nằm ở cửa ngõ phía Nam, tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… nơi đang có dịch hoành hành. Từ kết quả tiêm chủng của các địa phương trước đó, hầu hết các tỉnh, thành hiện đang bằng mọi cách, mọi loại vắc xin để tiêm sớm nhất, để nhanh chóng mở cửa, phục hồi kinh tế. Bình Thuận chúng ta cũng đang nỗ lực bằng nhiều nguồn, trong đó có đề nghị Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vắc xin về tỉnh. Ngoài các loại vắc xin như AstraZeneca, Pfizer, Moderna... thì lãnh đạo tỉnh cũng đã chủ động đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vắc xin Vero Cell. Cụ thể tại Công văn 3357 ngày 9/9/2021, của UBND tỉnh gửi Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ cho Bình Thuận 500.000 liều vắc xin Vero Cell để tiêm phòng mũi 1 mở rộng là đối tượng người lao động trực tiếp, người lao động trong lĩnh vực thương mại, du lịch và nhân dân (trước đó, UBND tỉnh cũng đã có 02 văn bản xin các loại vắc xin khác)… Đây được xem là giải pháp bức thiết lúc này, để đưa tỉnh ta sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ ta hiện nay, khi tại Thông báo 213/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 12/8/2021 về nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc phòng, chống Covid-19 trong nước, tiếp tục nhấn mạnh thông điệp về chủ trương của Chính phủ hiện nay, coi “vắc xin tốt nhất là vắc xin đã được cấp phép lưu hành và đến sớm nhất, kịp thời nhất” trong lúc chúng ta đang rất cần vắc xin để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Vì thế, sắp tới đây khi được Bộ Y tế phân bổ vắc xin về, mong rằng không chỉ những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, mà mọi người dân hãy cùng hưởng ứng tham gia tiêm phòng, để chúng ta cùng trở lại với công việc thường ngày, đưa tỉnh ta sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Phúc Sinh