Theo dõi trên

Tiếp tục bảo tồn động vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh

14/10/2024, 07:24

Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy, tất cả phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển.

Nhiều động vật quý hiếm ở các khu bảo tồn

Tỉnh Bình Thuận có 2 khu bảo tồn được biết đến không chỉ có nhiều tài nguyên thiên nhiên và các loài thực vật quý giá mà còn có rất nhiều loại động vật quý hiếm đó là Khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam) và Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Tánh Linh). Khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú có diện tích 11.886 ha hiện đang ghi nhận được 751 loài thực vật và 178 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Các nhà khoa học đã ghi nhận được 5 loài linh trưởng như: Cu li nhỏ, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ và voọc bạc, chà vá chân đen… đang sinh sống tại đây. Vùng núi Tà Cú, Tà Đặng có địa hình là núi cao, dốc, là rừng kín, nhiều hoa quả nên khu vực này tập trung nhiều loài thú như: khỉ đuôi lợn, voọc xám, cầy, chồn, sóc, chim, công… Vùng đồi thấp, rừng thưa có các loại thú ăn cỏ như hoẵng, cheo, thỏ, gà rừng. Vùng bưng, đầm lầy tập trung nhiều loài cá nước ngọt, các loài bò sát như: rắn, rùa vàng, ba ba… Còn Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có 23.194 ha rừng được ghi nhận 332 loài thực vật bậc cao có mạch đã được ghi nhận tại đây, trong đó có một số loài đang bị đe dọa trên toàn cầu như Gõ đỏ Afzelia xylocarpa, Trắc bà rịa Dalbergia bariensis. Về khu hệ động vật có khoảng 52 loài thú, 96 loài chim, 21 loài bò sát, 7 loài ếch nhái và 22 loài cá đã được ghi nhận. Trong đó có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu như voọc vá chân đen Pygathrix nemaeus nigripes và vượn đen má hung Hylobates gabriellae. Đặc biệt mới đây nhất sau thời gian đặt bẫy ảnh tại Ban quản lý rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc (huyện Tuy Phong), Viện Sinh thái học miền Nam đã ghi nhận được 24 loại chim, thú, trong đó có những loài nguy cấp, quý hiếm cần phải được bảo tồn như: chà vá chân đen, tê tê java, công, sơn dương, khỉ đuôi lợn... Theo Viện Sinh thái học miền Nam, trong số các loài có giá trị bảo tồn tại Ban quản lý rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc thì khỉ đuôi lợn là loài phổ biến được ghi nhận nhiều nhất với 88 lần tại 22 điểm bẫy ảnh. Các loài nguy cấp, quý hiếm còn lại chỉ được ghi nhận không quá 5 lần ở tối đa 2 điểm bẫy ảnh, sơn dương chỉ có 5 lần ghi nhận, tê tê và công chỉ có 2 lần ghi nhận.

dong-vat.jpg
Gia đình voọc chà vá chân nâu. Ảnh minh họa

Nghiêm ngặt bảo vệ các loài động vật quý hiếm

Vấn nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng các loại động vật quý hiếm. Đặc biệt trong những năm gần đây kinh tế phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là nhu cầu sử dụng trái phép sản phẩm các loài động vật hoang dã ngày một tăng. Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi nên tình hình buôn bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã cũng diễn ra rất phức tạp. Chính vì thế sự biến mất của một loài động vật hoang dã sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ cấu trúc đã diễn ra theo quy luật của của rừng hàng triệu năm nay. Một số loài chủ chốt trong thế giới tự nhiên biến mất cũng đồng nghĩa với nguy cơ biến mất của những loài lân cận. Vì thế, việc bảo vệ sự tồn tại của thế giới động vật hoang dã cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài, cá thể trong loài. Theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề ra mục tiêu là cần phải bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, chiến lược đặt ra những chỉ tiêu rất cụ thể như: đến năm 2030 phải cải thiện được tình hình của tối thiểu 10 loài đang bị đe dọa, không có thêm loài nguy cấp nào bị tuyệt chủng… Chiến lược cũng đề ra các nội dung chủ yếu thực hiện, thúc đẩy công tác bảo tồn các loài hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã nguy cấp bằng các biện pháp điều tra, đánh giá và liên tục cập nhật, công bố danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm để có biện pháp bảo tồn. Thực hiện chiến lược của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động, tích cực thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã và sự đa dạng sinh học. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, sự đa dạng sinh học cho người dân, học sinh, chủ các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, người dân tại các khu chợ bán chim cảnh… trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ việc nuôi nhốt động vật hoang dã, không để người dân lợi dụng việc gây nuôi nhằm buôn bán động vật hoang dã trái phép. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng vi phạm. Rừng ở Bình Thuận hiện nay có rất nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, do đó thời gian tới tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và xây dựng kế hoạch giám sát đa dạng sinh học định kỳ để kịp thời đánh giá, cập nhật hiện trạng và diễn biến đa dạng sinh học, cung cấp thông tin phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững. Ngoài ra, sẽ có thêm các chương trình giám sát động vật hoang dã bằng bẫy ảnh tại các diện tích rừng tự nhiên của tỉnh nhằm kịp thời theo dõi diễn biến đa dạng sinh học, cung cấp các thông tin hữu ích phục vụ bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

PHAN LIÊN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Tạm “giữ ghế nóng”
Sau thử nghiệm thất bại trong trận đấu với Hy Lạp, Huấn luyện viên tạm quyền Lee Carsley không còn là ứng cử viên sáng giá tiếp quản ghế nóng đội tuyển Anh. Nhưng Carsley vẫn còn cơ hội để sửa sai để “giữ ghế” trong cuộc hành quân tới Phần Lan. Và ông đã giữ lại cơ hội cho mình khi “Tam Sư” đã giành chiến thắng với tỉ số 3-1 trong đêm qua.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục bảo tồn động vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh