Theo dõi trên

Tiêu thụ trái cây mùa hè: Cần chủ động thích ứng

26/05/2021, 09:04

BT- Bình Thuận có nhiều loại trái cây có thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, xoài, mít, dưa hấu… Thế nhưng hiện nay, dịch Covid - 19 bùng phát mạnh đã khiến cho nhiều loại trái cây này thường đứng ở mức giá cao rơi vào cảnh rớt giá, khó tiêu thụ. Hơn lúc nào hết, người nông dân cần chủ động thích ứng, đó sẽ là con đường duy nhất để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Rớt giá, khó tiêu thụ

Xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân là vùng có nhiều loại trái cây như nhãn, cam, bưởi, đặc biệt là xoài. Thời điểm này, nông dân nơi đây đang bước vào vụ thu hoạch xoàiÚc – loại trái cây mùa hè. Thay vì phấn khởi, vui mừng, các nông dân ở đây đang điêu đứng vì xoài chín đầy cây nhưng không dám hái, vì có hái cũng không biết tiêu thụ đi đâu.

Có hơn 20 ha xoài, chủ yếu là loại xoài Úc, trái màu đỏ đang đến kỳ thu hoạch, ấy vậy mà ông Hà Thành Chánh (thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân) đành ngậm ngùi nhìn xoài chín rụng đầy gốc. Ông cho biết, hiện tại ông còn hơn 50 tấn xoài đang “lủng lẳng” treo cây vì giá quá thấp, thậm chí không có người thu mua. Nếu như những vụ trước, xoài loại 1 sẽ có giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, thấp nhất thì cũng bán được với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Song hiện giá xuống chỉ còn 1.000 – 3.000 đồng/kg.

Nông dân đang bước vào vụ thu hoạch trái cây mùa hè, đặc biệt là xoài.

“Tôi đầu tư cho vụ này tầm 500 triệu đồng, có gọi các mối lái thường xuyên mua của mình trước đây nhưng họ không tới. Với hơn 50 tấn, bán với giá 1.000 – 3.000 đồng/kg thì cũng không bỏ công thuê hái, vận chuyển. Coi như chấp nhận thua lỗ trong vụ này chứ biết sao”, ông Chánh chua xót.

Cũng theo ông Chánh, loại xoài Úc này có màu đỏ rất ngon, khi chín có thể kéo dài được thời gian. Thế nhưng từ trước đến nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc, rất ít bán thị trường nội địa. Dịch Covid-19 bùng phát nên việc xuất đi gặp khó khăn. Hiện tại có tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng là vấn đề nan giải. Bởi người tiêu dùng cứ nghĩ màu đỏ là xoài của Trung Quốc nên sẽ hạn chế mua.

Ông Trần Xuân An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải cho biết, cả vùng xoài Thắng Hải đang có gần 100 ha xoài, hiện lượng xoài tồn đọng của các hộ nông dân còn rất nhiều, chủ yếu là xoài Đài Loan.

“Xoài bị tồn đọng là do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 khiến việc vận chuyển, tiêu thụ xoài đi các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn. Hiện địa phương đang kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi cho các nhà vườn. Về lâu dài, mong các doanh nghiệp trong tỉnh cần nghiên cứu, lắp đặt dây chuyền chế biến sản phẩm các loại trái cây, đặc biệt là xoài nhằm hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân” - ông An chia sẻ. Không riêng gì xoài, mà nhiều trái cây mùa hè nhưthanh long, sầu riêng, bơ, chôm chôm…cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19.

Nông dân chủ động tìm hướng đi để thích ứng

Sau các đợt dịch Covid-19 bùng phát trong nước, các tỉnh, thành nói chung và Bình Thuận nói riêng cũng đã chủ động và có nhiều sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh như: Tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; thành lập đội lái xe trung chuyển chuyên biệt để thông quan nông sản, hàng hóa tại cửa khẩu… Tuy nhiên, đó là việc của các ngành chức năng, còn người nông dân để tự cứu mình cũng đã chủ động tìm nhiều giải pháp để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại trái cây do chính mình làm ra, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Việc lựa chọn và khai thác mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp đó.

Dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà vườn trái cây điêu đứng vì không bán được, thế nhưng vườn xoài rộng 3 ha của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn có đầu ra, mang lại thu nhập ổn định. Chị Hạnh cho biết, chị không mang sản phẩm ra chợ, không gọi thương lái tới tận nhà thu mua, mà chị đã sử dụng mạng xã hội là Facebook cá nhân để chào hàng. Những ngày đầu, nhờ có bạn bè ủng hộ, chia sẻ, do đó cộng đồng mạng biết nhiều hơn.

“Ban đầu chỉ là những đơn hàng của khách lẻ, hoặc bạn bè người thân ủng hộ, thế nhưng sau đó đã có nhiều thương lái đến đặt hàng luôn trên mạng. Họ chuyển tiền cho mình trước và mình đóng thùng gửi hàng đi cho họ. Hiện nay, tôi đang bán xoài tùy theo loại 1, loại 2 nhưng trung bình giá dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/ kg. Thời buổi dịch bệnh như thế này, nếu không chủ động bán hàng trên mạng, chắc vườn xoài của tôi cũng không có đầu ra”, chị Ngọc Hạnh chia sẻ.

Cũng như chị Hạnh, chị Trần Thị Nam (xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc) khá thành công trong việc thu hút khách hàng mua sầu riêng của vườn gia đình qua mạng xã hội. Chị cho biết, do tình hình dịch bệnh nên giá sầu riêng tại vườn bị thương lái ép. “Những ngày đầu mới vào vụ, giá còn cao được một chút, nhưng sau đó giá hạ đột ngột. Thương lái nói do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó tiêu thụ. Nghĩ đi nghĩ lại, công sức đổ ra rất nhiều mà giờ thu hoạch lại không đáng bao nhiêu. Nên tôi quyết định quay clip vườn sầu riêng lại và bán trên mạng xã hội”, chị Nam cho hay. Cũng theo chị Nam, khách hàng ăn ngon, người này truyền người kia nên rất đông khách hàng ủng hộ. Hiện tại vườn sầu riêng của chị cũng đã thu hoạch hơn một nửa.

Trên thực tế, việc những nông dân biết lựa chọn và khai thác mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm, đa phần là những hộ có diện tích nông sản ít, vừa phải, không quá nhiều. Do đó, sản phẩm của họ cũng dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng và cũng dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng làm được điều này. Do vậy, việc chủ động tìm hướng đi để tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra trong bối cảnh dịch Covid - 19 hiện nay là việc làm cần thiết.

Ngọc Diệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêu thụ trái cây mùa hè: Cần chủ động thích ứng