Cách đây ít giờ, phương tiện truyền thông xã hội Indonesia xôn xao trước thông tin một đứa bé sống sót thần kỳ sau thảm họa rơi máy bay của Lion Air hôm 29/10. Tài khoản đưa tin này thậm chí còn cung cấp hình ảnh đứa trẻ òa khóc được đặt trong chiếc áo phao cứu hộ.
Hình ảnh em bé sống sót sau vụ chìm phà KMP Lestari Maju ở vùng biển Selayar thuộc địa phận tỉnh Nam Sulawesi hôm 3/7/2018 bị lợi dụng để tạo tin đồn. |
Tuy nhiên, ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia bác bỏ thông tin này, đồng thời lên án những kẻ vô tri đã tung tin giả đào sâu vào nỗi đau của thân nhân các hành khách.
Cũng theo ông này, hình ảnh được lan truyền về xác một chiếc máy bay được cho là JT610 cùng 2 bức ảnh loan tin là chụp lại các hành khách trên JT610 với mặt nạ dưỡng khí đeo trước mặt đều không liên quan tới chiếc máy bay rơi hôm 29/10.
"Đó là các bức ảnh lừa đảo. Dừng ngay hành động lừa đảo này", ông Sutopo viết trên Twiitter.
Bức ảnh nghi là xác máy bay Indonesia rơi hôm 29/10 thực chất là xác chiếc máy bay Lion Air JT-904 gặp nạn tại sân bay I Gusti Ngurah Rai, Bali vào ngày 13/4/2013. |
Chiếc máy bay mang số hiệu JT-610 của hãng hàng không Lion Air rơi không lâu sau khi cất cánh ngày 29/10 chở theo 189 người gồm 181 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn.
Công tác tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang gấp rút được triển khai. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 24 túi đựng thi thể nạn nhân cùng nhiều mảnh vỡ và tư trang của các nạn nhân được mang tới bệnh viện cảnh sát Kramat Jati ở thủ đô Jakarta. Quá trình nhận dạng nạn nhân đang gặp rất nhiều khó khăn vì thi thể các hành khách đã không còn nguyên vẹn.
Bức ảnh các hành khách với mặt nạ dưỡng khí trùm mặt này chụp lại phút hỗn loạn trên chuyến bay của hãng hàng không Srivijaya. Tất cả hành khách trên chuyến bay này đều an toàn sau sự cố. |
Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm kiếm hộp đen của máy bay để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc./.
Song Hy/VTCNews