Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp lần thứ 3 của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Nhiều tầng nấc “hành dân”
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015, 2016 có 34 lượt bộ ngành và 106 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế hơn 17.600 người. Tính đến 15/3/2017, tổng số đối tượng được thẩm tra tinh giản biên chế gần 5.000 người.
Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. |
Báo cáo cũng cho thấy, hiện nay có 11 địa phương sử dụng vượt hơn 7.900 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định. Qua làm việc với 15 bộ ngành ở trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát nhận thấy kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước vẫn cồng kềnh, một số cơ quan chức năng quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý. Số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên. Xu hướng nâng cấp Vụ lên Cục diễn ra ở nhiều bộ.
Cụ thể, báo cáo giám sát cho biết một nội dung chuyên môn do chuyên viên xử lý để được báo cáo lên bộ trưởng thường phải trải qua các quy trình như sau: (1) chuyên viên soạn thảo; (2) phó trưởng phòng cho ý kiến; (3) trưởng phòng cho ý kiến; (4) phó vụ trưởng cho ý kiến; (5) vụ trưởng cho ý kiến; (6) thứ trưởng duyệt văn bản; (7) bộ trưởng xử lý, ký văn bản (ở những đơn vị cấp tổng cục thì trước khi trình thứ trưởng còn phải thêm quy trình xin ý kiến của phó tổng cục trưởng, tổng cục trưởng).
Tương tự như trên, một chỉ đạo của Bộ trưởng để xuống đến người trực tiếp thực hiện có khi cũng phải trải qua nhiều tầng nấc, làm cho việc xử lý mất nhiều thời gian. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Chúng ta gọn đầu mối các bộ nhưng lại nhiều “bộ trong bộ”, tổng cục, cục nhiều hơn, có nghĩa là các địa phương vẫn bị phiền hà, nhân dân vẫn bị phiền hà bởi các “bộ trong bộ” này. Mà “bộ trong bộ” này không bao giờ bị chất vấn cả nhưng quyền không kém gì bộ. Cũng cấp giấy phép, cũng có các tầng nấc phải xin - cho ở đây rất lớn. Phải có biện pháp hạn chế, thậm chí tôi nghĩ các vụ chỉ giữ vai trò tham mưu là tốt hơn cả” - ông Hà thẳng thắn nêu.
Cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
Lý giải về việc tăng biên chế công chức, Chính phủ cho rằng, nguyên nhân là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Chưa hài lòng với lý giải này, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát đề nghị: “Phải xem lại cách xác định biên chế như thế nào. Công chức là thực hiện công vụ nhưng có phải tất cả các công vụ đều do công chức thực hiện không và tất cả các dịch vụ công đều do người nhà nước thực hiện không?”
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của việc thực hiện CCHC không hiệu quả là do phân cấp phân quyền không rõ ràng, mạch lạc dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh, lập ra nhiều cấp trung gian. Đề cao trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu cơ quan trong việc tinh giản biên chế, ông Lê Thanh Vân phân tích: “Ở đâu mà người đứng đầu bao quát được, khởi xướng được thì ở đấy CCHC tốt. Ví dụ TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng làm tốt còn phần lớn trì trệ là do người đứng đầu không có tầm, vì có nhiều nguyên nhân mà xã hội đã lên tiếng như do quan hệ, tiền tệ bố trí vào thì làm sao mà vận hành được bộ máy. Tôi đề nghị là phải đưa nguyên nhân này vào đánh giá để có giải pháp đúng”.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Đoàn giám sát đề nghị cần tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật về vấn đề này. Đồng thời, phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Chính phủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương. Thực hiện tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Mất cân đối tỷ lệ lãnh đạo - nhân viên Chính vì cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. So sánh thời điểm 2011 với tháng 12/2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5. Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ là 1/2 và 4/7. Điển hình, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5. Ở Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2... (Theo báo cáo của Đoàn giám sát) |
Nguyễn Thu Hiền/Báo VOV