Theo dõi trên

Tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình ở Bình Lâm

07/06/2018, 09:15

BT- Bạo lực gia đình luôn là nỗi đau, sự ám ảnh của nhiều người phụ nữ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Từ thực tế ấy, nhiều mô hình phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện Hàm Thuận Bắc đã ra đời. Trong số đó, Tổ “Phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình” tại thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính nổi lên là một điển hình.

Tuy là thôn trung tâm của xã Hàm Chính, nhưng Bình Lâm lại là địa bàn có tỷ lệ bạo hành gia đình khá cao, có năm xảy ra hơn 10 vụ. Do vậy, để giảm thiểu bạo lực gia đình, đem lại bình đẳng cho hội viên, phụ nữ, đầu năm 2010 Chi hội phụ nữ thôn Bình Lâm đã quyết định thành lập mô hình “Tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình”  với 9 thành viên tham gia, do Chi hội trưởng phụ nữ thôn làm tổ trưởng. Tổ duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi quý 1 lần, với các nội dung xoay quanh về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; cách ứng xử có văn hóa trong gia đình; lên án, phê phán các hành vi bạo lực gia đình và bàn các biện pháp phòng chống; đồng thời vận động, tập hợp các chị em phụ nữ bị bạo hành gia đình cùng tham gia sinh hoạt để chia sẻ, tìm hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho chị em. Với kiến thức nắm bắt được qua các buổi sinh hoạt, từng thành viên trong tổ đem áp dụng vào thực tế hòa giải mỗi khi phát sinh mâu thuẫn.

Thời gian đầu, hoạt động gặp không ít khó khăn. Khi tới hòa giải, nhiều gia đình không hợp tác, thậm chí phản ứng gay gắt, nhất là người chồng. Tuy nhiên, với sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc với những số phận phụ nữ bị bạo hành, từng thành viên trong tổ không quản ngại khó khăn, bám sát các gia đình để giải thích, phân tích về Luật Bình đẳng giới, giúp người chồng thấy được cái sai để sửa chữa kịp thời, không để vết thương trong gia đình thêm rạn nứt. Với cách làm này, nhiều vụ mâu thuẫn, bạo lực gia đình trên địa bàn được giải quyết thành công. Đơn cử như trường hợp của vợ chồng anh Dương Văn Minh và chị Đặng Thị Thu Hằng, ngụ tại tổ 6, thôn Bình Lâm. Do bản tính gia trưởng, anh Minh thường xuyên đánh đập vợ, dù nhiều lần được hòa giải nhưng chị Hằng vẫn không thoát khỏi những trận đòn “thập tử, nhất sinh” của chồng. Biết không thể tự hàn gắn mâu thuẫn, chị Hằng đã tìm đến nhờ Tổ phụ nữ phòng chống bạo lực thôn Bình Lâm trợ giúp. Qua nhiều lần tiếp cận, giải thích đúng sai đã giúp anh Minh tỉnh ngộ, không còn đánh chị Hằng và vợ chồng lại sống hòa thuận như trước.

Trường hợp của gia đình anh Dương Văn Minh chỉ là một trong số ít các vụ bạo lực gia đình được Tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình thôn Bình Lâm hòa giải thành công. Ngoài ra, chỉ tính từ năm 2016 đến nay Tổ đã tiếp nhận, giúp đỡ 10 trường hợp bị bạo hành là nữ, trong đó có 2 trường hợp được hàn gắn. “Đa số các trường hợp bạo lực gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn liên quan đến kinh tế, ngoại tình, hay bài bạc. Do vậy, để hòa giải thành công, trước tiên phải tìm hiểu rõ nguyên nhân mâu thuẫn, nắm bắt tâm tư của người vợ, hoặc chồng… trên cơ sở đó có biện pháp phân tích, vận động phù hợp. Đây cũng chính là kinh nghiệm mấu chốt giúp hoạt động của tổ mang lại hiệu quả và được chị em phụ nữ trong thôn tín nhiệm cho đến nay” - bà Vũ Thị Anh Đào, Tổ trưởng “Tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính” chia sẻ.

Linh Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình ở Bình Lâm