Theo dõi trên

Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019: Ứng dụng công nghệ thông tin  trong tất cả các công đoạn

20/03/2019, 09:29

BT- Tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc tổ chức tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Phóng viên Báo Bình Thuận đã phỏng vấn ông Phạm Quốc Hùng (ảnh) - Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết đôi nét về cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 2019.

Ông Phạm Quốc Hùng: Đây là cuộc tổng điều tra tiến hành 10 năm 1 lần vào ngày 1/4. Năm 2019 là lần thứ 5 thực hiện cuộc điều tra này nhằm thu thập thông tin cơ bản và chi tiết về dân số và nhà ở nước ta, làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Kết quả cuộc tổng điều tra sẽ cung cấp số liệu về quy mô dân số chi tiết của toàn quốc cũng như của Bình Thuận sau 10 năm tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về dân số theo quy định của Luật Thống kê; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương; là nguồn thông tin quan trọng hỗ trợ cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành có liên quan; xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư.

Đối tượng điều tra là tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết của hộ dân cư (viết gọn là hộ) đã xảy ra từ ngày 1 Tết âm lịch Mậu Tuất năm 2018 (tức ngày 16/2/2018 theo dương lịch) đến hết ngày 31/3/2019; nhà ở của hộ dân cư.

Về thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 1/4/2019. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, bắt đầu từ 7 giờ ngày 1/4/2019 và kết thúc chậm nhất vào ngày 25/4/2019.

Về loại điều tra bao gồm: điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Điều tra toàn bộ được thực hiện đối với đối tượng thuộc các đơn vị điều tra nhằm thu thập những thông tin cơ bản về dân số và nhà ở. Điều tra chọn mẫu được thực hiện đối với một bộ phận dân số nhằm mục đích mở rộng nội dung điều tra, đáp ứng yêu cầu thông tin phân tích chuyên sâu; giúp nâng cao chất lượng điều tra, nhất là đối với những câu hỏi nhạy cảm và phức tạp; giúp tiết kiệm kinh phí tổng điều tra. 

Điểm mới của cuộc tổng điều tra này là gì, thưa ông ? 

Đây là cuộc tổng điều tra đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong tất cả các công đoạn của tổng điều tra từ chuẩn bị xây dựng mạng lưới, thu thập thông tin, kiểm tra và nghiệm thu số liệu, xử lý số liệu đến công bố kết quả tổng điều tra. Trong đó, áp dụng 2 hình thức thu thập thông tin mới, đó là sử dụng thiết bị điện tử di động trong thu thập thông tin và sử dụng phiếu trực tuyến để các hộ dân cư tự cung cấp thông tin thông qua mạng Internet. Cùng với đó là việc đổi mới hình thức quản lý và sử dụng số liệu theo hướng quản lý dữ liệu tập trung và sử dụng phân tán.

                
Hội nghị tập huấn tổng điều tra dân số và    nhà ở 2019.

Hai hình thức thu thập thông tin mới là: Phiếu điều tra điện tử sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (CAPI): Thông tin trên phiếu điện tử được điều tra viên hoàn thành và gửi về máy chủ của Tổng cục Thống kê ngay trong quá trình điều tra thực địa. Dữ liệu được kiểm tra, duyệt và nghiệm thu bởi các giám sát viên cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương.

Phiếu trực tuyến trên mạng internet (Webform): Hộ tự cung cấp thông tin qua phiếu trực tuyến, thông tin được lưu trữ trên máy chủ của Tổng cục Thống kê sau khi hộ hoàn thành tự điền thông tin. Dữ liệu điều tra sẽ được kiểm tra và tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung của phiếu điện tử và phiếu giấy phục vụ cho công tác làm sạch và xử lý, tổng hợp các kết quả của tổng điều tra.

 Công tác chuẩn bị của tỉnh Bình Thuận hiện nay như thế nào, thưa ông?

Hiện nay các công tác chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra đã cơ bản hoàn thành, đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và Văn phòng BCĐ được hoàn thành trong tháng 9/2018. Lực lượng tham gia BCĐ các cấp là 808 người (cấp tỉnh 13 người, cấp huyện 114 người, cấp xã 681 người); Văn phòng BCĐ là 116 người (cấp tỉnh 18 người; cấp huyện 98 người).

Đã hoàn thành tập huấn vẽ sơ đồ nền xã/phường/thị trấn, phân chia địa bàn điều tra; tập huấn công tác quản lý và lập bảng kê hộ tiến hành trong tháng 11/2018 với 43 lớp (1 lớp cấp tỉnh; 42 lớp cấp huyện); hội nghị tập huấn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin tổng điều tra tiến hành từ tháng 1/2019 kết thúc trước ngày 15/3/2019 cho BCĐ, Văn phòng BCĐ các cấp, giám sát viên, tổ trưởng và điều tra viên (toàn tỉnh tổ chức 29 lớp, trong đó 6 lớp phiếu toàn bộ với thời gian 4 ngày/lớp và 23 lớp phiếu mẫu với thời gian 5 ngày/lớp).

Vẽ sơ đồ nền xã/phường/thị trấn và phân chia địa bàn điều tra: Hoàn thành 127 sơ đồ nền với 2.986 địa bàn điều tra, trong đó có 425 địa bàn đặc thù. Đã chụp, quét ảnh, duyệt dữ liệu danh sách địa bàn lên hệ thống Trang điều hành tác nghiệp Tổng điều tra đúng thời gian quy định.

Từ ngày 1/12/2018 - 20/1/2019 đã tiến hành lập bảng kê hộ tại địa bàn. Tổng số hộ toàn tỉnh được lập bảng kê là 324.875 hộ. Địa bàn điều tra bằng công nghệ phiếu điện tử (CAPI) đạt 100%; hộ tự đăng ký cung cấp thông tin trên Internet là 1.258 hộ.

Toàn tỉnh đã tuyển chọn 131 tổ trưởng và 1.327 điều tra viên. Riêng công tác kiểm tra, giám sát: BCĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, nêu rõ mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát, nội dung, phạm vi, đối tượng, phương pháp thực hiện và có phân công cụ thể; đảm bảo việc kiểm tra, giám sát phải được thực hiện ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã với mục tiêu kịp thời, sâu rộng, chất lượng và hiệu quả...

 Xin cảm ơn ông. 

NGUYỄN QUỐC (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019: Ứng dụng công nghệ thông tin  trong tất cả các công đoạn