Trong bài phát biểu được xem như thông điệp quốc gia đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron hứa hẹn sẽ thực hiện những cải cách quan trọng trong 5 năm tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
Giảm 1/3 số nghị sĩ ở cả Quốc hội và Thượng viện, đơn giản hoá quá trình làm luật, xoá bỏ các định chế hoạt động kém hiệu quả và sớm gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp… Đó là những tuyên bố đáng chú ý nhất được Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đưa ra trong bài phát biểu trước Đại nghị Pháp tại Versailles.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý trước tiên không phải là những gì ông Macron tuyên bố mà là ở hành động triệu tập Đại nghị tại Versailles. Chính trường Pháp đã xôn xao và tranh cãi rất nhiều trong tuần qua khi ông Macron tuyên bố sẽ triệu tập cả 2 viện của Quốc hội, bao gồm 577 nghị sĩ quốc hội và 348 Thượng nghị sĩ, đến Đại nghị để nghe ông đọc bản diễn văn được xem như một thông điệp quốc gia.
Tranh cãi trước hết là về mặt chính trị. Theo Hiến pháp được sửa đổi của Pháp vào năm 2008, Đại nghị là một hình thức mới, theo đó Tổng thống được quyền triệu tập cả 2 Viện quốc hội đến Versailles để trực tiếp truyền đi các thông điệp quan trọng. Tuy nhiên, các Tổng thống Pháp rất ít khi sử dụng đến hình thức này.
Từ 10 năm nay, chỉ có 2 lần Đại nghị Versailles được triệu tập, một là dưới thời ông Nicolas Sarkozy và gần đây nhất là vào tháng 11/2015 dưới thời ông Francois Hollande, ngay sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris.
Chính giới Pháp và cả bản thân các đời Tổng thống Pháp thường không quá lưu tâm đến Đại nghị, chủ yếu do e ngại các chỉ trích rằng hình thức này quá mang tính quân chủ và thường chỉ trong các tình huống đặc biệt của đất nước mới nên triệu tập Đại nghị.
Tuy nhiên, tân Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định phá bỏ sự e ngại này khi triệu tập Đại nghị ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá mới của Pháp. Thậm chí, ông Macron còn tuyên bố sẽ triệu tập Đại nghị hàng năm để đưa ra thông điệp.
Hầu hết các đảng phái trong Nghị viện Pháp đều lên tiếng chỉ trích quyết định này của ông Macron, coi đó là một biểu hiện ngày càng theo hướng quân chủ, độc đoán của vị tân Tổng thống. Nhiều nhóm Nghị sĩ như nhóm của đảng “Nước Pháp bất khuất” hay Đảng Cộng sản Pháp đã quyết định tẩy chay và không tham dự Đại nghị Versailles.
Dù còn nhiều tranh cãi nhưng diễn văn của ông Macron tại Versailles là bước đi nữa cho thấy Tổng thống Pháp đang nắm thế chủ động. Ảnh: AP. |
Tranh cãi thứ hai đến từ chính nội bộ chính quyền của ông Macron. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc ông Macron triệu tập Đại nghị vào ngày 3/7, chỉ một ngày trước khi Thủ tướng Edouard Philippe trình bày bản kế hoạch hành động của Chính phủ Pháp trước Quốc hội, là một hành động có nhiều toan tính.
Đa số cho rằng đây là thông điệp riêng mà ông Macron muốn gửi xuống các cấp dưới của mình rằng ông là người kiểm soát tất cả, nhưng cũng có ý kiến nhận định việc này cho thấy ông Macron chỉ coi ông Philippe như một cộng sự giúp việc hơn là một đồng minh chính trị thực sự.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả các tranh cãi, ông Macron vẫn đã có một bài phát biểu quan trọng tại Versailles, trong đó tân Tổng thống Pháp đã đưa ra các hứa hẹn cải cách quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Đáng chú ý nhất là việc ông Macron tuyên bố muốn cắt giảm 1/3 số Nghị sĩ hiện tại, đồng thời đơn giản hoá thủ tục thông qua các điều luật tại Quốc hội. Một đề xuất quan trọng khác là chính quyền Pháp sẽ nghiên cứu để từng bước áp dụng một phần chính sách tỷ lệ trong các cuộc bầu cử lập pháp, tức là các đảng phái sẽ nhận được một số ghế tại Quốc hội tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu nhận được, thay vì phải trải qua 2 vòng bầu cử mà người cao phiếu hơn giành được tất cả như hiện nay.
Luật về tình trạng khẩn cấp, vốn được áp dụng tại Pháp từ tháng 11/2015, cũng sẽ sớm được bãi bỏ vào mùa Thu năm nay. Luật này trong thời gian qua bị chỉ trích khá gay gắt trong xã hội Pháp do hạn chế nhiều quyền tự do cá nhân và dân sự. Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng thông báo sẽ xoá bỏ Toà tư pháp cộng hoà, vốn được lập ra để xét xử các quan chức hành pháp phạm tội khi đang thi hành công vụ, với lý lẽ rằng mọi quan chức cũng cần phải được xét xử như các công dân khác.
Nhìn chung, dù còn rất nhiều tranh cãi nhưng bài diễn văn của ông Macron tại Versailles tiếp tục là một bước đi nữa cho thấy tân Tổng thống Pháp đang nắm toàn quyền chủ động và ngày càng thiết lập vững chắc vị thế bất khả xâm phạm của mình trên chính trường Pháp.
Quang Dũng/VOV