Theo dõi trên

“Trái ngọt” trên hành trình giảm nghèo bền vững

05/12/2024, 05:40

Huyện Hàm Thuận Bắc luôn xác định công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu, góp phần vào hành trình phát triển nhanh, hài hòa, bền vững của địa phương. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực, nhờ đó công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đã mang về những “trái ngọt”.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, toàn huyện có 17 xã, thị trấn, gồm: 4 xã vùng cao, 8 xã miền núi, 3 xã đồng bằng và 2 thị trấn. Diện tích tự nhiên 1.283,47 km², với dân số toàn huyện 170.684/42.192 hộ, mật độ dân số trung bình 127,9 người/km², được phân bố trên địa bàn 86 thôn, khu phố. Dân số, chủ yếu là lao động nông nghiệp, chiếm 81%. Có 21 dân tộc anh em, trong đó người Kinh chiếm 92,7%, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người K’ho, Chăm, Rắc lây.

ac2c07f891d02b8e72c1.jpg
Hàm Thuận Bắc trên hành trình giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã cung cấp nhiều thông tin trong tâm trạng vô cùng phấn khởi khi Hàm Thuận Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là giai đoạn 2021 -2025.

Ông Bảy cho biết: Hàm Thuận Bắc là địa phương phải chịu nhiều đau thương, mất mát và hậu quả của chiến tranh để lại. Ngày mới chia tách, toàn huyện có gần 70% hộ nghèo khó, thiếu ăn. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt nên cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quyết tâm triển khai thực hiện một cách đồng bộ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đặc biệt, thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực.

9e85bc6827409d1ec451.jpg
Nhiều mô hình kinh tế đã giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, một trong những giải pháp được huyện chú trọng đẩy mạnh là tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tới nhân dân. “Huyện đã chú trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo cho các tầng lớp nhân dân, trọng tâm là người nghèo, hộ nghèo. Phương thức tuyên truyền, phổ biến thông qua các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với các hộ nghèo ở từng thôn, khu phố. Tập trung làm rõ lý do nghèo, cách thức giảm nghèo để chính quyền biết được người dân cần hỗ trợ những gì? Cũng qua các cuộc đối thoại đã làm chuyển biến nhận thức một bộ phận hộ nghèo về học nghề để tìm kiếm việc làm, sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả”, ông Bảy nói.

Song song đó, huyện Hàm Thuận Bắc đã tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo theo các chuẩn nghèo của Nhà nước theo từng giai đoạn. Cụ thể, huyện đã triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, công nghệ thông tin; các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp hoàn cảnh rủi ro như thiên tai, lũ lụt... Đồng thời huyện đã thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng lao động nghèo. Ngoài ra, các hoạt động an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đã tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thụ hưởng, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

059677bf-5804-4a0a-9027-c0bb8d5a394c.jpg
Một góc ở xã vùng cao Đông Tiến huyện Hàm Thuận Bắc.

Thu về “trái ngọt”

Về Hàm Thuận Bắc hôm nay để cảm nhận rõ sự đổi thay theo hướng tích cực của nơi này. Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã được cải thiện rõ rệt. 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 100% trung tâm xã và thôn có điện, hệ thống nước sạch, thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế miễn phí... Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm, đến nay toàn huyện giảm 2,33% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, bình quân giảm 1,17%/năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 5,53% năm 2022 (2.741 hộ) xuống còn 3,2% năm 2024 (1.606 hộ). Vượt chỉ tiêu tỉnh giao và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra (giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm). Riêng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 11,06%, đưa tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của huyện từ 22,66% năm 2022 (876 hộ) xuống còn 11,60% cuối năm 2023 (497 hộ).

Bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác giảm nghèo tại địa phương này, theo ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND huyện, đó là: Địa phương đã nêu cao tinh thần của người dân đặc biệt là bản thân người nghèo phải có khát vọng thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Tích cực tuyên truyền nêu cao tinh thần xã hội hóa trong nhân dân, vận động nhân dân góp sức trong việc thực hiện Chương trình. Phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng đối tượng, mỗi loại đối tượng có những chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện của từng đối tượng. Đồng thời, sử dụng nguồn lực phải đúng đối tượng, đúng mục tiêu mới đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo.

Thời gian đến, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, huyện Hàm Thuận Bắc xác định sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp, như: tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; không sử dụng vốn của chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân. Mặt khác, tăng cường, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các xã, thị trấn thực hiện chương trình. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

Có thể nói, “trái ngọt” mà Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đạt được trong thời gian qua là động lực để địa phương này tiếp tục thực hiện những mục tiêu mới trong công tác giảm nghèo bền vững trong những năm kế tiếp.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Truyền thông hiệu quả - Giảm nghèo bền vững
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, từ đó giúp người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại; nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Đó là một trong những giải pháp thiết thực được huyện Hàm Thuận Bắc chú trọng triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Trái ngọt” trên hành trình giảm nghèo bền vững