Gắn biển công trình Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước. |
Dự án Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước được EVN giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng, sử dụng vốn vay tín dụng thương mại và vốn của EVNNPT cấp. Quy mô dự án bao gồm: xây dựng Trạm biến áp 220/110/22 kV với công suất 2x250 MVA; đường dây đấu nối 4 mạch cấp điện áp 220 kV có chiều dài tuyến 4,6 km; dây dẫn phân pha 2xACSR-330/43 đấu nối Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước vào đường dây 220 kV các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) - Tháp Chàm (Ninh Thuận) hiện có.
Đây là công trình quan trọng, cấp bách, tăng cường giải phóng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận để truyền tải lên lưới điện quốc gia với mức công suất tăng thêm khoảng 500 MVA. Việc đưa Trạm biến áp 200 kV Ninh Phước vào vận hành còn nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110 kV khu vực, đồng thời giảm tổn thất điện năng. Công trình này sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.
Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng dự án Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối vẫn hoàn thành vượt 6 tháng so với hợp đồng xây lắp đã ký kết, kịp thời đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả công trình.
Với tính chất, vai trò và ý nghĩa quan trọng, công trình Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam lựa chọn công trình gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tích cực tạo mọi điều kiện đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, nhất là gần 100 dự án điện mặt trời khu vực cực Nam Trung bộ với tổng công suất hơn 5.000 MWp vào vận hành vào giữa năm 2019 đã góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt tại khu vực 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vừa qua đã tập trung các dự án điện mặt trời với tốc độ phát triển rất nhanh. Trong gần 2 năm qua, bằng sự nỗ lực với nhiều công trình truyền tải điện quan trọng đã được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia nỗ lực triển khai như trạm 500 kV Vĩnh Tân, các trạm 220 kV Phan Rí, Tháp Chàm và mới đây nhất là trạm 220 kV Ninh Phước sẽ giải quyết cơ bản việc giải tỏa công suất năng lượng tái tạo lên lưới điện quốc gia.
Riêng tại Bình Thuận có 3 nhà máy điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW, khoảng 140 triệu kWh/năm, nằm trong 20 dự án điện gió (tổng công suất hơn 812 MW) được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Tương tự, 21 nhà máy điện mặt trời cũng đã phát điện, sản lượng thiết kế 1,76 tỷ kWh/năm, trong tổng số 95 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư tại tỉnh… Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước vận hành sẽ góp phần giải phóng công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Thái Khoa