Theo dõi trên

Triển khai bán hàng bình ổn giá Tết 2017

14/12/2016, 16:22

BTO- Để bảo đảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán 2017, dự kiến từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017 tại các khu vực tập trung người lao động, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo sẽ có chương trình bán hàng bình ổn giá.

                       
      Bán hàng bình ổn giá tại xã Phan Dũng, Tuy Phong

Theo UBND tỉnh, để đảm bảo hàng hóa bình ổn giá thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu sẽ phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu công nghiệp và huyện đảo Phú Quý. Số lượng hàng hóa thiết yếu sẽ bảo đảm đầy đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, hàng hóa bình ổn giá phải bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Hàng hóa bình ổn tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn. Cụ thể như: Gạo, nếp, thịt, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mì tôm, rau củ quả, muối Iốt,... Điểm bán hàng bình ổn phải treo biển hiệu nhận diện riêng; sắp xếp, trang trí hàng hóa bảo đảm văn minh thương mại; hàng hóa phải bày bán trên giá kệ, sắp xếp gọn gàng thuận tiện cho việc mua sắm. Có bảng niêm yết giá bán các mặt hàng bình ổn tại cửa ra vào, bố trí hàng bình ổn ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt nếu bán cùng với hàng hóa khác, thực hiện niêm yết giá bán cho từng sản phẩm. Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại các điểm bán cố định, các đơn vị sẽ tổ chức thêm bán hàng lưu động tại địa bàn các huyện trong tỉnh. Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.

Tham gia bán hàng bình ổn giá sẽ ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn, đảm bảo các điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để có khả năng định hướng, dẫn dắt thị trường. Doanh nghiệp có kế hoạch hoặc cam kết phát triển hệ thống phân phối tới các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn nhưng không nhận hỗ trợ tín dụng ưu đãi với cam kết phải thực hiện theo đúng các quy định đề ra.

Các doanh nghiệp tham gia phải bán hàng theo đúng quy định với giá đã cam kết, thực hiện đăng ký giá, kê khai giá. Song song đó, thông tin công khai các điểm phân phối, bán hàng bình ổn thị trường, treo băng rôn, bảng hiệu; bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm. Sở Công thương sẽ chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam –  Chi nhánh Bình Thuận, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp tham gia chương trình tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp bảo đảm đủ hàng hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm để phục vụ nhân dân trên địa bàn với giá hợp lý.

    
Dự kiến mức dự trữ hàng hóa   thiết yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị năm 2017 khoảng 132,9   tỷ đồng, phân bổ như sau: Công ty  Cổ phần Thương mại Bình Thuận: 63,8   tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Thiết: 45,6 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart   La Gi: 10,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lương  thực Nam Trung Bộ: 4,5 tỷ   đồng; Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dịch vụ Tùng Loan: 7,5 tỷ đồng;   Trung tâm Dịch vụ miền núi: 1,3 tỷ đồng.

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai bán hàng bình ổn giá Tết 2017