Theo dõi trên

Trở lại sóc Bom Bo “nghe” tiếng chày giã gạo

03/07/2023, 05:45

Có lẽ nhiều du khách đến Bình Phước đều muốn ghé thăm sóc Bom Bo, địa danh gắn liền với bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác thời chiến tranh chống Mỹ. Các thành viên đoàn công tác Báo Bình Thuận khi đến thành phố trẻ Đồng Xoài trung tuần tháng 5 vừa qua đã được đồng nghiệp Báo Bình Phước “chiều khách” dẫn đoàn thăm địa danh lịch sử này. Với tôi, đây lần thứ hai trở lại, không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của sóc Bom Bo.

Sóc Bom Bo hào hùng trong kháng chiến

Từ ngoài quốc lộ 14, trung tâm huyện Bù Đăng, rẽ vào khoảng 12 km chúng tôi đến sóc Bom Bo. Ở đây, con đường rải nhựa thoáng đãng, thay con đường đất đỏ ngày trước, chạy dài giữa những vườn điều, cà phê xanh tươi, thấp thoáng những mái nhà xây kiên cố, đẹp đẽ của đồng bào dân tộc. Cô bạn đồng nghiệp báo bạn đi cùng bảo: “Không ít bà con dân tộc S’tiêng ở đây chịu khó làm ăn trồng điều, cà phê, cây ăn trái, dành dụm từ những vụ thu hoạch những năm trước, nay đã xây nhà khang trang để ở, không thua kém người Kinh trong vùng”. Đoạn đến trung tâm sóc, phía đầu con đường bê tông dẫn lên những ngọn đồi bên trong, chúng tôi thấy hiện rõ cổng chào “Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo” hoành tráng, đón chào du khách. Vào trong không xa là dãy nhà mái ngói trưng bày bảo tồn văn hóa nằm bên trên ngọn đồi bao quanh cây cảnh xanh tươi, mát mẻ.

img_3309.jpg
 Du khách tham quan Khu bảo bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo

Cô gái hướng dẫn viên người S’tiêng giới thiệu khái quát với đoàn: “Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo chính là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người S’tiêng. Ở đây cội nguồn, tập tục văn hóa, đời sống sinh hoạt, canh tác của đồng bào S’tiêng, cũng như lịch sử sóc Bom Bo dân tộc thiểu số này được tái hiện qua hình ảnh, tư liệu sách báo, tranh vẽ, hình ảnh mô phỏng cồng, chiêng, cối, chày giã gạo… đa dạng, phong phú phục vụ khách tham quan, tìm hiểu”. Qua giới thiệu tận tình của hướng dẫn viên, chúng tôi hiểu phần nào về vùng đất lịch sử Bom Bo hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Đó là vào những năm đầu 1960, Mỹ - ngụy thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược khắp nơi. Người dân sóc Bom Bo (thời điểm này thuộc quận Đức Phong, tỉnh Phước Long) trong tình cảnh bị địch dồn ép vào ấp chiến lược, nhưng cả sóc Bom Bo kiên quyết không theo. Đến năm 1963, địch càn quét triền miên, già, trẻ, gái trai hơn 100 người dân sóc Bom Bo ban đêm lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ “Nửa Lon”, cạnh dòng suối Đăk Nhau để lập sóc mới cũng lấy tên sóc Bom Bo. Những năm tháng ở đây, đồng bào S’tiêng hưởng ứng khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”; không phân biệt già, trẻ, gái, trai đồng lòng đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội tham gia Chiến dịch Phước Long- Đồng Xoài năm 1965. Chỉ trong 3 ngày đêm đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo đã giã được 5 tấn gạo phục vụ bộ đội, góp phần vào thắng lợi to lớn của chiến dịch.

img_3298.jpg
 Đoàn nhà báo (Bình Thuận, Bình Phước) nghe giới thiệu bộ đàn đá ở khu bảo tồn

Mỗi lần giã gạo người S’tiêng lấy cây lồ ô đã phơi khô, đốt lên làm đuốc, cháy bập bùng trong đêm. Mỗi cối có từ 2 đến 4 người thay nhau giã gạo, nhiều khi nghe tiếng máy bay địch quần thảo trên bầu trời, tất cả tắt lửa chui xuống dưới hầm trú ẩn. Trong không khí khẩn trương, bên ánh đuốc lồ ô bập bùng, tiếng chày giã gạo thâu đêm, nhạc sĩ Xuân Hồng cùng tham gia chiến dịch vùng này khi ấy chứng kiến cảnh nô nức giã gạo nuôi quân không khỏi thán phục, cảm động. Ca từ “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa/Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua” với tiết tấu rộn ràng, sôi động đi vào bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” do nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác năm 1966 từ “cảm hứng” ấy… Những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân Bom Bo vẫn ở lại căn cứ “Nửa Lon”, đến năm 1989, đồng bào S’tiêng di cư từ xã Đăk Nhau trở về lại chốn cũ lập lại sóc Bom Bo (nay thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Công lao của quân dân Bom Bo trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Bây giờ sóc Bom Bo đã có điện, đường, trường, trạm, nhà cửa người dân khang trang, con em đều được đến trường.

img_3300.jpg
 Chày và cối giã gạo của người S'tiêng sóc Bom Bo trong kháng chiến chống Mỹ 
img_3310.jpg
 Tái hiện nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào S'tiêng
img_3313.jpg
 Nhà dài của người S'tiêng được tái hiện trong khu bảo tồn

Tái hiện nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào S’tiêng

Tiếp đó, chúng tôi được nữ hướng dẫn viên dẫn lên ngọn đồi thứ hai với không gian rộng rãi đầy màu xanh của các loại cây quý hiếm như hương, gõ, sồi. Ở đây, hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng được tái hiện qua các cụm tượng nghệ thuật; mái nhà dài của người S’tiêng ngày trước che chở cho nhiều thế hệ trong gia đình. Cạnh đó, bộ đàn đá nặng 20 tấn được trưng bày ngay ngắn trên thảm cỏ xanh; bên cạnh bộ chiêng đồng có thể coi lớn nhất Đông Nam Á treo thẳng tắp dưới mái ngói chạy dài trong khuôn viên khu bảo tồn. Ba năm trước, bộ chiêng “khủng” ấy được nghệ nhân kỷ lục gia Trương Đình Chiếu về đặt đúc tại làng nghề Tống Xá (thuộc thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định), nay nghệ nhân đặt tại khu bảo tồn. Cô Hương, hướng dẫn viên cho biết: “Năm vừa qua đã có 22.000 lượt khách tham quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Tổng thể diện tích khu bảo tồn rộng 113 ha, hiện mới hoàn thành giai đoạn 1 trưng bày hiện vật văn hóa, lịch sử ở 2 ngọn đồi; tỉnh đang xúc tiến giai đoạn 2 để đưa vào sử dụng 2 ngọn đồi nữa trong khu bảo tồn này”. “Hiện tại, khách đoàn lên tham quan có nhu cầu, liên hệ trước với chúng tôi sẽ được thưởng thức cơm lam, gà đồi, thịt heo lai nướng, uống rượu cần, xem chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào S’tiêng tại khu bảo tồn; hay nghe già làng kể chuyện về buôn sóc bên ánh lửa hồng”, hướng dẫn viên chia sẻ.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Giữ khách” cho điểm đến Bình Thuận
Trong nửa đầu năm 2023, hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận không những phát tín hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 mà còn cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở lại sóc Bom Bo “nghe” tiếng chày giã gạo