Sau đợt chuyển nước về hồ Đu Đủ, hồ Tân Lập, những ngày này, lượng nước có tại hồ Sông Móng còn rất ít, càng làm nổi rõ cù lao mà hơn 1 năm nay lùm xùm chuyện có người lấn chiếm. Đứng ở khuôn viên của Trạm quản lý đầu mối Ba Bàu – Sông Móng có thể thấy rất rõ lán trại được che bằng tấm bạt màu xanh, thấp thoáng các loại cây ăn quả như xoài, mít. Cù lao này nằm trong lòng hồ Sông Móng thuộc thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh vốn nguyên thủy có những cây rừng tự nhiên như căm xe, tre…nhưng hiện đã bị chặt phá để trồng xoài, mít. Từ giữa tháng 3/2018, Trạm quản lý đầu mối Ba Bàu – Sông Móng đã phát hiện hành vi chặt phá cây rừng trong vùng lòng hồ của người lấn chiếm có tên là Nguyễn Văn Thanh (SN 1986, thường trú tại thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam). Trạm đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu ông Thanh dừng việc chặt phá cây rừng, đồng thời đề nghị UBND xã Hàm Thạnh phối hợp giải quyết vụ việc theo luật định. Giữa 2 bên đã phối hợp kiểm tra nhưng mỗi lần như thế, Nguyễn Văn Thanh đều không có mặt để ký biên bản. Vì vậy, từ đó đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết, UBND xã Hàm Thạnh vẫn chưa xử lý vi phạm hành chính với hành vi lấn chiếm đất của ông Thanh. Nhưng lại có đến 6 tấm biển có nội dung cấm chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất trong lòng hồ Sông Móng mà Trạm quản lý đầu mối Ba Bàu –Sông Móng đặt trên cù lao này đều bị Nguyễn Văn Thanh phá dỡ quăng xuống hồ. Rồi nhiều cây rừng trên cù lao tiếp tục bị chặt phá để mở rộng diện tích trồng cây ăn trái. Bây giờ, 1,5 ha xoài, mít trồng trái phép trên cù lao đã cao 1-1,3 m, đường kính cây xoài đã được khoảng 10cm, còn cây mít có đường kính khoảng 15cm…
Theo báo cáo kết quả kiểm tra hiện trạng và đề xuất giải quyết việc lấn chiếm đất công trình hồ chứa nước Sông Móng của Phòng Tài nguyên và Môi trường ngày 27/3/2019 có nêu: Nguyễn Văn Thanh khai phá đất trên cù lao này từ năm 2003, 2004 và trồng màu; đến năm 2018 tiếp tục khai phá nhưng phải đến tháng 11/2018 mới trồng xoài được. Ông Thanh sinh năm 1986, điều đó có nghĩa ông đã khai phá đất này từ năm 17 tuổi?!. Nếu vậy, đến năm 2006, khi UBND tỉnh Bình Thuận ra 2 quyết định, một là Quyết định số 1858/QĐ-UBND ngày 19/7/2006 về việc thu hồi và giao đất cho Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn để xây dựng công trình hồ chứa nước Sông Móng; hai là Quyết định số 2967/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 về điều chỉnh diện tích thu hồi với 5.547.242 m2 thì lúc ấy, ông Nguyễn Văn Thanh ở đâu? Thêm nữa, đến năm 2008, UBND tỉnh có một quyết định khác, số 1262/QĐ-UBND ngày 9/5/2008 về việc thu hồi và giao đất bổ sung cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng công trình hồ chứa nước Sông Móng tại huyện Hàm Thuận Nam với diện tích 258.300m2, trong đó xã Hàm Thạnh 256.601 m2, xã Hàm Kiệm 1.699m2, vậy ông Nguyễn Văn Thanh ở đâu? Cũng trong báo cáo trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường Hàm Thuận Nam xác định vùng đất mà ông Nguyễn Văn Thanh đang sử dụng nằm trong vùng diện tích 5.547.242 m2.
Chuyện lấn chiếm cù lao nằm trong lòng hồ Sông Móng để trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Thanh không chỉ vi phạm Luật Thủy lợi mà nguy hiểm hơn, việc phun thuốc trên cây ăn quả… sẽ làm ô nhiễm nguồn nước hồ Sông Móng. Nguồn nước này không chỉ để sản xuất mà còn để cung cấp cho Nhà máy nước sinh hoạt Tân Lập. Vì vậy, Hàm Thuận Nam cần giải quyết sớm vụ việc, tránh tình trạng để cây trồng trên đất lấn chiếm ngày một lớn và người vi phạm đòi tiền bồi thường chi phí bỏ ra. Vì thực tế, mức xử phạt hành vi trên theo quy định chỉ 3-5 triệu đồng cũng không khiến người lấn chiếm lo ngại.
HẢo Chi