Dễ trồng và lãi khá
Hì hục vun luống khoai giữa trưa nắng, nông dân Nguyễn Đình Thương, thôn 5, xã Vũ Hòa vẫn cười sảng khoái khoe: “Đây là vụ thứ 2 tôi trồng loại khoai này, nó “hít” với chất đất ở đây nên củ to và ngọt, dễ bán, giá lại cao”.
Ông Thương cho biết, đầu năm 2020, sau khi đi tham quan học tập kinh nghiệm mô hình khoai lang Nhật Bản ruột vàng tại Đắk Lắk, ông đã mạnh dạn cùng một số hộ dân khác trên địa bàn xã thuê đất của nông dân ở những khu vực sản xuất lúa kém hiệu quả, với giá thuê là 2 triệu đồng/sào, để trồng thử nghiệm hơn 30 hecta.
“Giống khoai lang này có vị bùi, ngọt hơn các giống khoai khác. Thời gian sinh trưởng chỉ khoảng từ 4 - 5 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch. Đáng chú ý, khác với một số loại hoa, củ quả khác, giống khoai này có thể kéo rất dài thêm thời gian thu hoạch. Sau 4 - 5 tháng, người trồng muốn bán thì bán, còn nếu như khoai không được giá hay vì một lý do nào khác, có thể neo củ thêm được từ 2 - 3 tháng nữa. Thời gian càng dài, kích cỡ, chất lượng và giá khoai càng tăng, không lo tình trạng tư thương ép giá thời điểm chính vụ”, ông Thương chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Thương bên ruộng khoai lang Nhật Bản ruột vàng của gia đình
Sau 4 tháng trồng, trung bình mỗi sào thu được 1 – 1,2 tấn, với giá bán củ tươi từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, ông Thương ước tính thu được 15 – 20 triệu đồng/sào. “Trên chân đất màu này, so với cây lúa, hiệu quả kinh tế từ khoai lang Nhật Bản cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài việc bán củ khoai thương phẩm, chúng tôi còn thu được thêm từ việc bán dây giống khoai lang Nhật Bản ruột vàng. Dây giống F1 1 bó 200 dây, bình quân trên 1 ha canh tác, bà con nông dân thu được thêm khoảng 25 triệu đồng từ việc cắt bán dây giống”, ông Thương cho biết thêm.
Thận trọng trong việc nhân rộng mô hình
Theo bà Đào Thị Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Hòa, hiện nay địa phương đã triển khai mô hình trồng khoai lang Nhật Bản ruột vàng trện diện tích 50 ha với hơn 10 hộ dân tham gia. Sau khi triển khai thực hiện mô hình này, bước đầu bà con nông dân rất phấn khởi. So với những loại cây trồng trước đây, đặc biệt là cây lúa thì đến thời điểm hiện tại có thể thấy năng suất của loại cây trồng này cao hơn gấp nhiều lần. “Hiện quỹ đất nông nghiệp của xã Vũ Hòa có tới 300 ha, trong đó chủ yếu canh tác cây lúa. Việc đưa cây khoai lang ruột vàng Nhật Bản trồng thử nghiệm luân canh trên diện tích lúa đã mở hướng đi mới, giúp các hộ dân trong xã đa dạng giống cây trồng và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, qua đó tăng thu nhập cho bà con nông dân”, bà Nam chia sẻ.
Cũng theo bà Nam, mặc dù hiệu quả bước đầu là vậy, nhưng địa phương cũng rất thận trọng trong việc mở rộng mô hình. Bởi thực tế, đã có không ít mô hình trồng trọt của người nông dân rơi vào cảnh “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Vì vậy, trong thời gian đến, địa phương sẽ nhanh chóng đăng ký thành lập hợp tác xã, để có sự liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Từ đó, mới tính đến hướng nhân rộng mô hình.
Ngọc Diệp