Theo dõi trên

Trồng rừng chống sa mạc hóa

08/03/2016, 09:39

BT - Bình Thuận được xem là tỉnh có diện tích đất cát ven biển chiếm khoảng 16% diện tích tự nhiên. Trong đó hai huyện Tuy Phong, Bắc Bình, đất đồi cát hoang hóa ven biển chiếm hơn 35.000 ha. Do đó, nguy cơ sa mạc hóa rất lớn. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng sa mạc hóa. Trong đó, việc trồng rừng đang được đẩy mạnh thực hiện.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bình Thuận, ước tính mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 ha đất canh tác nông nghiệp bị lấn bởi các đụn cát di động. Hiện Bình Thuận có gần 90.000 ha hoang mạc hóa, trong đó, có gần 57 nghìn ha là hoang mạc cát, chiếm tỷ lệ 7,26% diện tích tự nhiên của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã Chí Công, Bình Thạnh (huyện Tuy Phong) và khu Lê Hồng Phong (Bắc Bình). Đánh giá về tình trạng sa mạc hóa tại Bình Thuận,  ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thì  Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 tỉnh đang diễn ra sa mạc hóa cao nhất trong cả nước. Nguyên nhân có rất nhiều liên quan đến địa hình, khí hậu, điều kiện tự nhiên của từng tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm qua thì nguyên nhân xuất phát từ yếu tố con người ngày càng ảnh hưởng đến sa mạc hóa, cụ thể, chúng ta chuyển quá nhiều diện tích rừng, diện tích có cây xanh sang mục đích khác như làm du lịch, các dự án thủy điện… Vì thế, tình trạng khô hạn cát bay, cát chảy diễn ra liên tục ở nơi có các cồn cát hứng chịu gió biển và đang gây nên nguy cơ hoang mạc cục bộ ở một số nơi vùng ven biển, đặc biệt là vùng đất cát khu Lê Hồng Phong.

Trồng cây chống sa mạc hóa tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.

Để giảm mức khắc nghiệt của tiểu khí hậu miền cát hoang mạc, tạo thiên nhiên xanh, từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, UBND tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp kỹ thuật chinh phục cát di động. Ưu tiên đầu tư các dự án lâm nghiệp, làm tăng diện tích rừng phòng hộ nhằm giữ nguồn nước ổn định, chặn đứng nạn cát bay, cố định cồn cát di động và chống xói mòn đất, phục hồi độ phì của đất, tạo ra những thảm xanh cải tạo tiểu khí hậu trong vùng, góp phần ổn định đời sống cho nhân dân. Năm 2015, Bình Thuận đã tổ chức trồng được 3.378 ha rừng tập trung. Qua kiểm tra, tỉ lệ cây sống đạt trên 85%. Các đơn vị  chủ rừng đã thực hiện tốt công tác chăm sóc rừng trên diện tích 6.040 ha. Giữ độ che phủ rừng đạt 42,25%. Năm 2015, Bình Thuận bắt đầu khởi động các dự án trồng rừng ven biển thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Sở NN&PTNT cùng với các Ban Quản lý bảo vệ rừng đã thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2015. Hoàn thành việc bàn giao mặt bằng 150 ha trồng rừng mới kế hoạch 2015 cho các BQL rừng phòng hộ: Lê Hồng Phong, Hồng Phú đưa vào trồng rừng kịp thời vụ, đảm bảo an toàn. Hoàn thành việc trồng rừng trên diện tích 230,3ha/242 ha. Trong đó, Ban quản lý rừng các địa phương đã trồng bổ sung phục hồi, nâng cấp được 155,5 ha rừng và 86,5 ha rừng trồng mới. Trong năm 2016, Chi cục Lâm nghiệp Bình Thuận tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án. Trong đó tập trung vào việc chuẩn bị giống, hiện trường để thực hiện trồng mới 116,9 ha và chăm sóc năm hai đối với diện tích 242 ha đã trồng theo dự án được duyệt.

Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết: So với các dự án được triển khai trước đây thì Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC có nguồn kinh phí lớn hơn. Từ đó cây giống, vật tư được đầu tư tốt hơn. Tỉ lệ cây sống ở các diện tích rừng thực hiện chương trình cũng có tỉ lệ khá cao. Mới đây, đoàn công tác  của Bộ Nông nghiệp - PTNT  do ông Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp làm trưởng đoàn đánh giá cao những gì mà Bình Thuận đã làm được trong việc thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng. Có thể nói thực hiện Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC sẽ tạo điều kiện để Bình Thuận bảo vệ và phát triển diện tích rừng của địa phương, góp phần chống biến đổi khí hậu…      

 NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng rừng chống sa mạc hóa