Theo dõi trên

Trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế: Ưu tiên chọn giống cây bản địa

21/10/2019, 10:16

BT- 3 năm qua, Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Sông Mao (Bắc Bình) đã chú trọng thực hiện trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế trong quy hoạch đất 3 loại rừng của đơn vị, đúng đối tượng rừng phòng hộ. Trong đó, ưu tiên lựa chọn giống cây bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Đồng thời phải đáp ứng được mục tiêu của rừng thay thế sau khi thành rừng.

                
Trồng rừng.

Chọn giống bạch đàn và giáng hương

 Trước diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, sự biến đổi của khí hậu, không chỉ riêng ngành nông nghiệp mới chịu ảnh hưởng trực tiếp. Thực tế thời gian gần đây, thời tiết cực đoan nắng nóng bất thường, mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm nên ảnh hưởng đến công tác trồng rừng và phát triển cây rừng toàn tỉnh nói chung và BQL RPH Sông Mao nói riêng.

Từ đầu năm đến nay, trên cơ sở phương án trồng rừng thay thế được UBND tỉnh phê duyệt, sau 3 năm thực hiện (từ năm 2016 đến năm 2018), BQL RPH Sông Mao đã triển khai trồng rừng thay thế với tổng diện tích 225 ha, tại tiểu khu 128A, thuộc đối tượng rừng phòng hộ. Qua khảo sát, thử nghiệm trên cùng một điều kiện lập địa, đơn vị đã chọn cây bạch đàn và giáng hương trồng theo phương thức trồng rừng hỗn giao, có khả năng phát triển nhanh và có giá trị kinh tế. Để đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế thành rừng đạt tỷ lệ cao, đơn vị thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được phê duyệt, triển khai kịp thời từ việc khảo sát đánh giá kỹ hiện trạng, chọn lập địa phù hợp thiết kế, chuẩn bị hiện trường, vật tư, cây giống, nhân công… Qua đó, trồng rừng thay thế đúng thời vụ, chăm sóc tốt để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo tỷ lệ thành rừng. Ngoài ra, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đồng bào dân tộc tại địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.

Chú trọng khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến độ trồng rừng thay thế chung toàn tỉnh đạt được hiện còn thấp. Đáng chú ý, diện tích trồng rừng chỉ tập trung ở đối tượng là rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, các tổ chức ngoài nhà nước và các gia đình, cá nhân. Các Ban quản lý rừng được giao chỉ tiêu thực hiện trồng rừng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững còn chậm triển khai.

Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành lâm nghiệp mới đây, BQL RPH Sông Mao đã đề xuất một số giải pháp triển khai trồng rừng thay thế hiệu quả. Trong đó, cần vận động người dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng thay thế. Sử dụng lao động địa phương trong công tác trồng, đến chăm sóc, quản lý, bảo vệ để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân tại địa bàn. Chú trọng khâu lựa chọn cây giống phù hợp với điều kiện lập địa, đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

Đối với diện tích sắp triển khai trồng rừng thay thế, cần tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo theo quy định. Đặc biệt chú trọng khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, thực địa để xây dựng phương án trồng mới phù hợp.  Khi rừng trồng đã đến tuổi thành thục, cần quy định cho phép khai thác theo đám, hoặc theo băng. Sau đó tiến hành trồng lại rừng vào vụ tiếp theo để phát huy hiệu quả diện tích đất quy hoạch và giá trị kinh tế cây trồng.

    
      Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 9/2019, diện tích   trồng rừng tập trung toàn tỉnh được 1.335 ha/kế hoạch 1.250 ha (đạt   106,8% kế hoạch), bằng 81,6% so cùng kỳ. Ước đến cuối tháng 12/2019,   diện tích trồng rừng trên toàn tỉnh là 1.342 ha, đạt 107,36% chỉ tiêu kế   hoạch đề ra.

K.HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế: Ưu tiên chọn giống cây bản địa