Theo dõi trên

Trồng rừng thông minh

04/01/2020, 09:37 - Lượt đọc: 972

 BT- Hơi nước mù trắng trùm lấy rừng bạch đàn cho dù trời đang nắng… Cả cánh rừng mỗi lúc một mờ đi vì hơi nước của hệ thống phun mưa nhân tạo. Đứng bên cánh rừng là 2 người đàn ông, 2 kỹ sư lâm nghiệp, đều ngoài 60 tuổi. Họ lặng lẽ nhìn từng làn hơi nước đang tan ra, tan ra… sau những cơn gió thổi tới.

Bất chợt, một người lên tiếng nói: “Không thể hình dung nổi!”. Người kia  cũng gật đầu. Rồi họ đi dọc theo bìa cánh rừng, vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ.

                
Kỹ sư Nguyễn Văn Pháp - chủ 11 ha rừng trồng.

 Trồng rừng

Năm 2018, kỹ sư Nguyễn Văn Pháp - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận nghỉ hưu cùng  người lái xe đến thôn Phú Sơn, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc. Chả là có vài nông dân quen biết, sau một thời gian trồng thanh long, thu lợi chẳng nhiều nhặn gì, muốn bán lại đất. Trước kỹ sư Pháp vài người đến xem nhưng rồi “một đi không trở lại” vì theo họ đất không những xấu mà còn không chủ động nước. Muốn có nước phải đào hồ chứa tốn không ít tiền... Chưa kể, Phú Sơn nắng gần như quanh năm. 1 năm chỉ vài tháng mưa, mưa chậm hơn Phan Thiết dù cách nhau chỉ vài chục cây số đường. Suốt buổi sáng hôm đó, kỹ sư Pháp, không khỏi băn khoăn: Mua hay không? Mua thì giúp  mấy anh nông dân nghèo quen biết được ít vốn, nhưng liệu có trồng được rừng trên đất này,  một công việc bấy lâu anh gắn bó từ ngày nghỉ nhà nước ra? Nỗi lo của anh không phải vì quá lo xa khi nhìn quanh  đây chỉ có  các dự án điện mặt trời đang triển khai. Nắng gió không tốt làm quái gì mấy anh điện mặt trời tìm tới cái đất sát chân Trường Sơn Nam thế này? Lần khần mãi, cuối cùng kỹ sư Pháp quyết định mua  11 ha  bởi vì anh biết chẳng có đất nào giá rẻ hơn đất này! Nếu không trồng được cây, sau này anh  cho thuê làm dự án…

                
Kỹ sư Võ Đình Tiến - người lắp đặt hệ thống    tưới phun cho rừng trồng.

 Những người dám nghĩ

Kỹ sư Pháp không ngờ rằng, vừa trả tiền mua đất hôm trước, hôm sau kỹ sư Võ Đình Tiến, cấp dưới của anh hồi còn ở Công ty Lâm nghiệp đến chơi nhà. Tiến ra  khỏi công ty trên chục năm qua, thành lập doanh nghiệp đo vẽ, quy hoạch đất đai. Mấy năm nay Tiến nghiên cứu, chế tạo béc phun mưa  và  lắp đặt nhà lưới độ bền cao, giá rẻ. Sản phẩm của Tiến đã về miền Tây, lên Tây nguyên và ra cả phía Bắc miền Trung. Kỹ sư Pháp thường nhắc chuyện hồi còn làm công ty, Tiến say viết báo.  Gặp lúc bờ sông Hương xứ Huế xói lở, Tiến đề xuất dùng cỏ vetiver chống xói lở bờ sông. Bài “Cứu sông Hương bằng cỏ vetiver” của Tiến, Báo Tuổi Trẻ in trang trọng, nhuận bút bằng mấy lần lương tháng giám đốc khiến nhiều người ngạc nhiên. Và cũng chính Tiến, bằng con đường tự học nhưng  đủ sức thông dịch tiếng Anh cho một số chuyên gia lâm nghiệp nước ngoài… trong khi có mấy cô, thầy giáo trước đó hay vỗ ngực “tài, giỏi” thì tìm  cách từ chối khi được mời. Tiến là thế đó. Kỹ sư Pháp hay nói với bạn bè: Thằng Tiến mà không xin về sớm và được sử dụng một cách trân trọng, hắn sẽ làm nhiều điều ích lợi lắm. Bằng chứng hắn ra ngoài thành lập doanh nghiệp dịch vụ mỗi năm thu về cả tỷ đồng mà chẳng phải đau đầu, nhức óc vì hôm nay người này, mai người kia chọt. Bởi vậy khi vừa thấy cái dáng gầy gầy, mái tóc nghệ sĩ của Tiến ngoài cổng, kỹ sư Pháp liền bảo vợ chuẩn bị trà nước, đón  bạn.

Lần này chuyện của họ là chuyện khu rừng bạch đàn trồng mấy năm trước, nay đến tuổi thu hoạch ở xã Hàm Cần, cách Phan Thiết mấy mươi cây số về phía Tây. Kỹ sư Pháp kể với bạn: Sau nhiều năm trồng bạch đàn giống W5 (bạch đàn lá liễu) mật độ 1.500 cây/ha, anh nhận thấy: Thời gian cây chưa  phát triển, cỏ lên rất dày, mùa nắng phải cày chống cháy. Trồng thưa, nhưng do đất, cũng như trồng chay, nên có cánh rừng 7 năm tuổi, cây chỉ cao được 7 m, đường kính từ 9 - 10 cm. Nhưng cũng bằng kinh nghiệm của người trồng rừng nhiều năm, anh thấy: Sau khi khai thác 1 - 2 chu kỳ, gốc bạch đàn vẫn nảy nở, có nhiều  nhánh. Nếu để nguyên, không tỉa thưa và bón phân bổ sung, cây lên rất dày. Dày cây, nhưng không sợ thiếu nơi tiêu thụ vì các nhà thầu xây dựng ở Bình Thuận thường mua cây đường kính 6 - 8 cm, làm cây chống bởi dễ di chuyển song vẫn chịu lực được cho các công trình xây dựng cỡ vừa. “Do vậy, tôi chuyển sang trồng dày ở một số diện tích rừng. 80 cm/cây, hàng cách hàng 1,5 m. Tính ra 8.300 cây/ha thay vì 1.500 cây/ha như sách vở nói. Năm ngoái, tôi khai thác một số thì nguồn thu khá hơn nhờ lượng cây trên mỗi ha tăng lên”- kỹ sư Pháp nói. “Tôi biết, nếu trồng dày, anh sẽ bón dưỡng đất vì rễ  bạch đàn rất khỏe, chẳng có chất mùn nào trong đất mà nó không hút” - kỹ sư Tiến cắt ngang.

 Trồng rừng thông minh

Chuyện cứ thế kéo dài. Tiến kể với người đàn anh trong nghề là sau thời gian mày mò, anh chế tạo được loại béc vừa phun mưa vừa tưới nhỏ giọt được và đã ứng dụng trên trang trại Hoàng Nguyên  của mình. “Loại béc đó nếu thiết kế hệ thống tưới thì những ha bạch đàn trồng năm 2018 của anh không còn lo hạn, chỉ 3 năm là khai thác thôi, thay vì 5 - 7 năm như các nơi!” - Tiến đoan chắc. “Hay, nhưng làm sao để lắp hệ thống tưới? Chôn dưới đất?”- kỹ sư Pháp vỗ đùi, hỏi lại. “Không. Trên cao. Mỗi ha chỉ mất khoảng 15 triệu đồng” - Tiến nói chắc lừ.

Kỹ sư Pháp sau đó đánh xe đưa Tiến đi thăm 11 ha rừng mới trồng 1 năm tuổi  trên Phú Sơn. Tiến lắp đặt hệ  thống tưới phun sương theo yêu cầu của kỹ sư Pháp vào tháng 5/2019. Hệ thống phun sương thoạt nhìn như một chiếc giàn làm bằng những ống nước, treo cách mặt đất khoảng 5 m, khoảng cách 20 m/ống. Hệ thống phun sương hoạt động nhờ vào nước của máy bơm công suất lớn, có van điều tiết. Một công nhân người Phú Sơn được thuê giữ rừng, tưới định kỳ cho cả cánh rừng trồng. 4 tháng sau khi lắp đặt xong hệ thống tưới cho bạn, kỹ sư Tiến vẫn không quên lui tới thăm rừng. Và lúc này là một buổi thăm rừng như vậy.

Tiến nói với kỹ sư Pháp khi họ dừng lại ở ngã ba, dẫn từ rừng ra: “Nên có sổ sách đối chiếu, anh à. Cũng như lấy mẫu rừng dân trồng trên đường vô đây làm đối chứng. Có vậy mình sẽ rõ hơn về  rừng lớn nhanh hay không nhanh? Cánh rừng tôi nói anh làm đối chứng đó của ông Lê Văn Thu, người địa phương đây, nghe nói 10 năm tuổi, nhưng cây mới chỉ hơn cùm chân chúng ta. Như vậy là không đạt nếu tính hiệu quả. Kỹ sư Pháp gật gù. Gợi ý của Tiến rất thiết thực. Vì vậy, kỹ sư Pháp nói với bạn: Nội trong tuần tới anh sẽ bảo người công nhân những việc cần thiết phải làm.

Mưa bụi trùm lên cánh rừng bạch đàn. Lúc bước lên chiếc xe bán tải, kỹ sư Pháp nhận thấy một bên vạt áo mình ướt. Thì ra  hơi nước theo gió bay xa đến tận đường chính cách rừng mấy chục mét. Điều đó nghĩa là không chỉ rừng trồng, những vùng đất liền kề đó cũng có cơ hội được tưới tắm, sẽ xanh lên. Ít nhiều xóa đi cảnh tượng nhìn đâu cũng thấy màu vàng cháy loang lỗ như một cán bộ địa phương than với anh trước ngày mua đất.

 Tiếng lành

Đầu tháng 12 năm nay, có một người cứ đòi đi xem khu rừng bạch đàn Phú Sơn  của kỹ sư Pháp. Đó là ông Lê Sĩ Hảo, Phó Chủ tịch Hội Lâm nghiệp Bình Thuận.

Lúc ngồi trên xe, ông Hảo nói: “Anh Pháp với anh Tiến không nói, nhưng anh em làm dự án điện mặt trời nói  như vầy: “Làm điện chưa biết lời lãi ra sao, không bằng trồng rừng như ông Pháp. Ông Pháp trồng rừng hết sức thông minh nên cây rừng lên nhanh”. Vì vậy, Hảo đề nghị: Sau khi 2 anh cho xem cách làm, sắp tới họp Hội Lâm nghiệp tỉnh, tôi  đưa vấn đề này ra”. Kỹ sư Pháp cười nhỏ. Cùng công tác trong ngành Lâm nghiệp với Lê Sĩ Hảo, kỹ sư Pháp biết tính Hảo thật thà, chân thành với bạn nên đề nghị của Hảo xem ra chẳng có gì đáng ngại. Trong thâm tâm kỹ sư Pháp cũng muốn nhiều người làm theo cách của mình để vừa gây lại vốn rừng vừa tăng màu xanh cho đất, ở những nơi đang bị xói mòn vì mưa lũ. Đúng như cốt cách của người phụ trách Công đoàn ngành Lâm nghiệp tỉnh mấy mươi năm, xe vừa dừng, ông Hảo xăm xăm đi vào bìa rừng. Cả một màu xanh hiện ra trước mắt chừng như kéo dài tới tận chân núi. Không khí đầy mùi hương cỏ, trong lành. Ông Hảo hít sâu vào lòng ngực bầu không khí trong lành, mát rượi ấy. Trong phút chốc, bất giác ông nhớ lại: Mười mấy năm trước đã từng đến đây. Khi đó đơn vị phụ trách  vùng rừng Phú Sơn nói với ông: “Năm nào cũng xảy ra cháy vì nắng dữ và kéo dài nhiều tháng”. Khi đó, ông  nhìn những đám rẫy khô cháy của dân mà lắc đầu. Nhưng giờ đây trên  những đám đất ngày cũ, rừng đang lên xanh, chốc chốc từ trong rừng xuất hiện những cánh chim nhỏ bay ra rồi lại bay vào. Sau một lúc quan sát, trầm tư với hồi ức, ông Hảo bước đến những cây bạch đàn gần lối đi vào, mở rộng  bàn tay đo thử... Trong  mấy chục năm theo nghề rừng, ăn cơm mòn bát  các đơn vị lâm nghiệp trong tỉnh, ông chưa bao giờ thấy có cánh rừng nào trồng dày mà được như vậy!? Thông thường, đơn vị trồng rừng thường trồng: cây cách cây 2 m; hàng cách hàng 3 m. Mỗi ha khoảng 1.500 - 2.000 cây và phải mất 5 năm, cây mới có đường kính 9 - 10 cm, trong khi ông Pháp đạt tới 8.300 cây/ha, nhưng chỉ trong 1 năm tuổi đã cao 3 - 3,5 m; đường kính gốc cây từ 5 - 7 cm. Rồi cũng với cách của người quen tìm hiểu, ông Hảo lấy từ trong túi ra tờ giấy, tính toán. Ông quay sang kỹ sư Pháp, nói: “2 năm tới, cây đạt đường kính 10 - 12 cm, nếu bán làm cây chống xây dựng, ông thu nặng túi à nhe! Ít ra mỗi ha 120 triệu đồng. Trừ tiền mua đất, tiền lắp đặt hệ thống tưới, lãi 80 triệu đồng/ha. Vị chi, mỗi năm sinh lãi gần 30 triệu đồng/ha, trong khi những năm sau đầu tư rất thấp. Còn nếu cây trên 12 cm, bán cho chế biến gỗ dân dụng...  lãi sẽ cao hơn. Chưa nói, một ha rừng có nhiều chu kỳ khai thác. Không thể nói gì hơn: Tuyệt!”.   

    
  

  Lời cuối   của phóng sự

    Không lâu   sau ngày đi thăm rừng trồng, ông Lê Sĩ Hảo điện  cho tôi nói về cách   trồng rừng thông minh. Ông bảo: “Chú cứ lên mà xem cho tỏ tường. Nó cần   thiết cho Bình Thuận mình lắm. Trước đây vài chục năm, Bình Thuận có   khoảng 400.000 ha rừng và đất rừng, nay chỉ còn  khoảng 340.000 ha rừng   và đất rừng. Trong đó có 150.000 ha rừng sản xuất  chưa phát huy hiệu   quả. Để phát triển vốn rừng, cần nhân rộng các mô hình, điển hình trồng   rừng hiệu quả mà rừng trồng ở Phú Sơn, Hàm Phú là một ví dụ. Một khi các   điển hình hiệu quả được nhân rộng , cùng với đó là lai tạo giống mới,   cũng như giao khoán cho người dân trong tỉnh trồng rừng thì đất trống   đồi trọc lâu nay của Bình Thuận dần được phủ xanh”. Rồi  như để tâm tình   ông nói: Cả đời theo  ngành lâm nghiệp cho đến lúc nghỉ hưu ở phường Phú   Thủy (TP. Phan Thiết), ông không mong muốn gì hơn được thấy những HTX   nghề rừng như: Quảng Trị, Tuyên Quang... đang làm. Ở đó, người  trồng   rừng và kinh doanh rừng được cấp chứng chỉ  rừng của Tổ chức quốc tế để   có thể xuất khẩu gỗ rừng trồng. Nhờ vậy mà một số không ít người dân khá   lên. Chỉ có làm như vậy, rừng thiên nhiên mới có cơ hội bảo tồn, mặt đất   xanh hơn, người trong tỉnh Bình Thuận sẽ sống  trong môi trường tốt hơn   vì rừng là lá phổi tốt nhất và bao dung nhất…

Phóng sự: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng rừng thông minh