Kết quả thăm dò công bố ngày 18/1 của Viện Gallup cho thấy, cho thấy, chỉ 30% người được hỏi ủng hộ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo Gallup, Đức hiện là cường quốc đứng đầu bảng tín nhiệm toàn cầu với tỷ lệ ủng hộ 41%, theo sau là Trung Quốc (31%) trong khi Nga xếp thứ tư với 27%.
Theo kết quả thăm dò của Gallup, tỷ lệ ủng hộ vai trò lãnh đạo thế giới của Trung Quốc là 31%, trong khi tỷ lệ ủng hộ của Mỹ là 30%. Ảnh: Sputnik |
Việc Trung Quốc hơn Mỹ 1 điểm % trong bảng thăm dò này có chứng minh điều mà học giả Trung Quốc tuyên bố là đúng? Dưới đây là ý kiến của 3 chuyên gia trong vấn đề này.
Đánh giá kết quả thăm dò một cách khách quan
Theo ông Yang Mian, Giáo sự tại viện Quan hệ quốc tế Trung Quốc, kết quả khảo sát của viện Gallup phản ánh sự phát triển của Trung Quốc cũng như sự sụt giảm uy tín của Mỹ, nhưng nó không có nghĩa là Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trên thực tế.
Trung Quốc đã đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu lớn hơn trong 5 năm qua với việc thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại. Tuy nhiên, cũng không nên phớt lờ rằng, vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong cuộc khảo sát mới chỉ cao hơn của Mỹ 1 điểm %, mặc dù tỷ lệ ủng hộ của Mỹ giảm từ 48% dưới thời tổng thống Barack Obama xuống chỉ còn 30% sau 1 năm cầm quyền của tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, một kết quả khảo sát sẽ không thể xem là tuyệt đối, mặc dù nó dựa trên thăm dò tại 134 nước và vùng lãnh thổ với mỗi nước 1.000 người trên 15 tuổi tham gia phỏng vấn.
Niềm tin toàn cầu vào vai trò lãnh đạo của Mỹ đã giảm, nhưng vẫn còn có khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ khi xét đến quyền lực toàn diện. Mỹ vẫn có tầm ảnh hưởng toàn cầu một cách sâu rộng và vẫn đi đầu trong những lĩnh vực như công nghệ cao và thương mại.
Trung Quốc cần phải nhìn nhận kết quả khảo sát này là một dấu hiệu cho thấy họ giành được sự ủng hộ lớn hơn trong vai trò quốc tế. Họ vẫn cần phải tăng cường hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực như giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và sản xuất nhiều hàng hóa công.
Hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích đôi bên cùng có lợi
Giám đốc Học viện chính trị thế giới của Trung Quốc, ông Wang Honggang, cho rằng, sự thay đổi trong các chính sách của Mỹ, đặc biệt là về tài chính và thương mại, đã có tác động đến toàn cầu ở nhiều mức độ khác nhau.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới xuất phát từ Mỹ đã có tác động tiêu cực lớn đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Sự ủng hộ đối với Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, vì ông đã phần nào thất bại trong việc hiện thực hóa cam kết tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, với 69 giờ đóng cửa chính phủ.
Mỹ đã dùng đến các chính sách bảo hộ để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và điều này làm giảm trách nhiệm toàn cầu của Washington. Hơn nữa, kế hoạch của ông Trump về xây dựng bức tường biên giới với Mexico hay gia tăng các hành động quân sự ở nước ngoài đã tạo căng thẳng giữa Mỹ với nhiều nước khác.
Bài học mà Trung Quốc phải nhận ra từ kết quả thăm dò này chính là: hợp tác là thiết yếu để mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Đề xuất của Trung Quốc, trong đó có sáng kiến Vành đai và con đường, và Ngân hàng đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) về bản chất đều là những sáng kiến các bên cùng có lợi.
Quan hệ Trung-Mỹ, tuy nhiên cần phải ổn định về lâu dài. Trong ngắn hạn, các xung đột song phương sẽ gia tăng, vì Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải củng cố các “thành tựu” như giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và củng cố vai trò lãnh đạo thế giới, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Cần phải nỗ lực hơn nữa để tự phát triển
Ông Wang Fan, phó chủ tịch Đại học Ngoại giao Trung Quốc cũng đánh giá rằng, kết quả khảo sát của Gallup không có nghĩa là Bắc Kinh đã thay thế Washington trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Nó chỉ có ý nghĩa là tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới đã gia tăng.
Lý do mà tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng chính là vì Bắc Kinh tích cực thúc đẩy toàn cầu hóa. Điều này đối nghịch sâu sắc với các chính sách bảo hộ của Mỹ cũng như việc Mỹ rút khỏi các cơ chế đa phương như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trung Quốc cần phải đào sâu hợp tác với các nước khác để cải thiện vai trò của mình trên toàn cầu và nỗ lực hơn nữa để chuyển đổi cấu trúc kinh tế, nâng cao công nghệ và xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản. Vì nền kinh tế càng mạnh mẽ thì nó càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của thế giới.
Trung Quốc cũng cần khai thác các nền tảng và cơ chế hợp tác đa phương cho phép đổi mới đóng vai trò lớn hơn. Ví dụ họ có thể sử dụng công nghệ tàu cao tốc để đào sâu quan hệ với các nước khác. Ngoài ra Trung Quốc cũng phải nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi một định kiến có tính chất ý thức hệ mà nhiều nước vẫn đang có, đó là việc nhìn nhận sự nổi lên của một cường quốc không phải phương Tây với sự nghi ngờ. Để làm được điều này, Trung Quốc cần thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng họ không có ý định tìm kiếm quyền bá chủ.
Thùy Linh/VOV