Theo dõi trên

Trung Quốc truy xuất nguồn gốc thanh long: Cơ hội và thách thức

21/03/2019, 09:45

BT- Từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho từng lô hàng. Đây có thể được coi là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội  để thanh long Bình Thuận bứt phá… 

Không còn là thị trường dễ tính

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Sức mua lớn, các quy định về an toàn thực phẩm tương đối dễ thở khiến lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này càng tăng lên. Nhưng sắp tới đây, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi nước này giảm dần việc nhập khẩu nông sản qua đường tiểu ngạch tăng lượng nhập khẩu qua đường chính ngạch. Cùng với đó là việc nước này xây dựng hàng rào kỹ thuật sẽ gây khó khăn cho những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Từ ngày 1/5/2018, Trung Quốc áp dụng thử nghiệm tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp phía Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản, hoa quả, trái cây từ Việt Nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch động, thực vật. Trong đó yêu cầu phải có đầy đủ thông tin: tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu bất cứ lúc nào. Quy định này sẽ được cơ quan kiểm dịch, kiểm nghiệm phía Trung Quốc thực hiện nghiêm túc.

Trên thực tế, những quy định mà phía Trung Quốc đang áp dụng không phải quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây nước này chưa chú trọng thực hiện. Nhưng nay, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản sạch, nông sản có xuất xứ rõ ràng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn. Bắt đầu từ 1/10/2019, Trung Quốc bắt buộc sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào thị trường nước này phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho từng lô hàng. 

Cơ hội chuyển sang sản xuất hiện đại

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm nông sản, thì trong thời gian tới phía Trung Quốc sẽ siết chặt việc nhập khẩu nông sản qua đường mậu biên. Điều này khiến những nông sản không có tên trong danh sách được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với trái thanh long Bình Thuận thì đây lại là cơ hội lớn để bứt phá. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải danh sách các vùng trồng 8 loại trái cây gồm: chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, xoài, dưa hấu, chuối, dứa, cùng danh sách các cơ sở đóng gói của Việt Nam được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc trên hệ thống thông tin của cơ quan này.

Trong danh sách, Bình Thuận có 77 vùng trồng thanh long và 162 cơ sở đóng gói thanh long được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Bình Thuận cũng là địa phương có số vùng trồng và cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc công nhận nhiều nhất cả nước. Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận cho biết: Việc thị trường Trung Quốc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để kiểm tra chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc trái cây là một cơ hội để thanh long Bình Thuận nâng cao sức cạnh tranh. Xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp các doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu trái thanh long thông qua các cửa khẩu biên giới như hiện nay, mà còn xuất khẩu thông qua đường biển, đường hàng không. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các thị trường vùng nội địa Trung Quốc. Có thể khi mới áp dụng, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục, các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng về sau mọi việc sẽ quen và chất lượng trái thanh long Bình Thuận sẽ được nâng cao hơn…

Từ tháng 10/2019, nước này sẽ tăng cường áp dụng mẫu chứng thư truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Do đó, bài toán đặt ra cho người trồng thanh long là cần nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, cấp mã số và vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap để đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra. Cả nông dân, doanh nghiệp và chính cơ quan quản lý cần phải thay đổi tư duy, để bắt kịp thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra của mình.

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc truy xuất nguồn gốc thanh long: Cơ hội và thách thức