Theo dõi trên

Trường Dục Thanh – nơi lưu dấu chân Người

04/06/2021, 17:23

BTO- Những ngày này, theo chân các cán bộ, chiến sĩ về thăm Trường Dục Thanh, khi cả nước đang kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, lại càng thêm bồi hồi xúc động và nhớ Bác.

Ngôi trường nằm trên địa bàn làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết, được xây dựng năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng.

Trường được cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai người con của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thông) thành lập. Mục tiêu phong trào Duy Tân và của trường là mở mang dân trí, thức dậy ý thức dân tộc, nòi giống. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở Bình Thuận lúc bấy giờ.

 

Năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ Nghè Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh. Học sinh của trường có khoảng 60 người cùng 7 thầy giáo giảng dạy. Thầy Thành được phân công dạy lớp nhì (tương đương lớp 4 bậc tiểu học) môn thể dục và trợ giảng môn Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn.Những buổi học ngoại khóa hay ngày nghỉ, thầy thường dắt các trò đến thăm bà con ngư dân xóm chài, xem hát tuồng, lễ hội văn hóa dân gian… để dạy học trò hiểu biết thêm về truyền thống lịch sử dân tộc, kiến thức xã hội, truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, cho học sinh.

Thật ấm áp khi bước vào lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi bốn bức tường gỗ giản dị. Phòng học được bố trí 3 dãy bàn ghế học sinh ngăn nắp. Phía trên lớp học là hai cái bảng đen và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác ngồi giảng bài. Trong khuôn viên trường, hai di tích còn lưu lại nguyên vẹn là cây khế sau vườn và giếng nước cạnh nhà mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành hằng ngày vẫn lấy nước sinh hoạt, tưới cây… Thời gian dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh tuy ngắn nhưng khá quan trọng để thầy Thành có dịp học hỏi, tích lũy vốn văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm sống, nghiên cứu tình hình mảnh đất phía nam chuẩn bị cuộc hành trình vượt đại dương ra đi tìm đường cứu nước.

Tháng 2/1911 thầy giáo Nguyễn Tất Thành chia tay với giáo viên, học trò nơi này vào Sài Gòn, để rồi ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Vì thế, với người dân Bình Thuận, Trường Dục Thanh không đơn giản là một trường học mang lại chữ nghĩa cho bao học sinh. Nơi đây còn được xem như cái nôi về tinh thần hiếu học và tình yêu quê hương đất nước rất sâu sắc của người dân xứ biển.

Bên cạnh Trường Dục Thanh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận. Khu bảo tàng hiện trưng bày hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đây trở thành một địa chỉ có vai trò quan trọng giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng đối với thế hệ trẻ của địa phương cũng như cả nước. Hàng năm, đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng lãm.

Thùy Linh – Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Dục Thanh – nơi lưu dấu chân Người