Mô hình đạt giải nhất "Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 12 (2018 - 2019) của học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh. |
Trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Hàm Thuận Bắc) được đánh giá là một trong những đơn vị tham gia có hiệu quả các cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học trong nhiều năm qua. Nổi bật, tại cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 11, 12 đều có học sinh tham gia cuộc thi đạt giải nhất. Riêng năm học 2018 - 2019, có học sinh đạt giải nhì tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học và đạt giải nhì bảng D3 cuộc thi “Tin học trẻ toàn quốc” lần thứ 25. Ngoài ra, nhiều năm qua học sinh của trường đã giành giải đặc biệt của Trường Cao đẳng Cộng đồng trong cuộc thi KHKT; giải đặc biệt của Trường Đại học Phan Thiết trong cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh… Chia sẻ về kết quả này, thầy Lương Văn Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh cho biết: “Nghiên cứu KHKT chính là vận dụng các kiến thức của môn học vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống thông qua các sản phẩm, dịch vụ. Trong những năm qua, Bộ GD & ĐT đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong việc đổi mới nhà trường, cách dạy, học và phương thức đánh giá kết quả học tập. Trong đó, nghiên cứu KHKT là hoạt động điển hình thể hiện được những tư tưởng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhận thức được điều này, nhiều năm qua Trường THPT Nguyễn Văn Linh đã phát động tốt phong trào sáng tạo KHKT trong học sinh thông qua nhiều hình thức”.
Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo kịp thời và quan tâm, động viên hỗ trợ nhiệt tình về mặt tinh thần cũng như vật chất để khuyến khích học sinh tham gia. Giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo kỹ thuật và vận động các mạnh thường quân để có thêm kinh phí cho hoạt động. Các giáo viên bộ môn khi giảng dạy các lớp có thể đưa gương điển hình học sinh đạt giải sáng tạo KHKT cho các em học sinh khác học hỏi theo và động viên các em bằng các phần thưởng để tiếp thêm động lực để tiếp tục tham gia sáng tạo KHKT. Đặc biệt, giáo viên hướng dẫn là người trực tiếp giúp đỡ các em về mặt kiến thức cũng như dự toán kinh phí cho các em khi thực hiện sản phẩm. Để các em tạo ra những mô hình có ích phục vụ cho thực tiễn cuộc sống, giáo viên hướng dẫn phải biết rõ nhu cầu xã hội, nhu cầu của địa phương hiện nay để từ đó định hướng, giúp học sinh mình thực hiện thành công ý tưởng của các em.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sáng tạo KHKT còn gặp một số khó khăn vì nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa vận động được nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ về kinh phí nên các em khó thực hiện các sản phẩm khoa học có chất lượng. Mặt khác, chưa liên hệ, trao đổi được với các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao để cho các em học hỏi thêm kinh nghiệm và cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ cho hoạt động sáng tạo KHKT. “Qua các lần tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh, chúng tôi nhận thấy để học sinh tạo ra được một sản phẩm khoa học có chất lượng cần phải tìm hiểu kỹ xu hướng và nhu cầu hiện tại của xã hội nói chung và địa phương nói riêng. Giáo viên hướng dẫn phải thật sự nhiệt tình giúp đỡ học sinh, đồng thời phối hợp tốt với phụ huynh để tạo được động lực, niềm tin giúp học sinh thực hiện ý tưởng. Đồng thời, để sản phẩm có chất lượng tốt phải đảm bảo được nguồn kinh phí trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu cho học sinh”, thầy Hà cho biết thêm.
THANH THỦY