Theo dõi trên

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Chuyện không thừa!

02/10/2019, 10:01

BT- Gần đây việc truy xuất nguồn gốc không còn là chuyện lạ của nhiều doanh nghiệp khi thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe và cũng là mong muốn của người tiêu dùng. Mặc dù ngành chức năng đã tập trung xử lý nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn gia tăng, đặc biệt là những tháng cuối năm.

                
      
         Thanh long sang thị trường Trung Quốc cũng yêu cầu    phải có tem truy xuất.

Quét mã vạch… mua sản phẩm

Khi mua hàng ở các siêu thị, chị Hương (phường Phú Thủy) luôn có thói quen sử dụng điện thoại thông minh rà lên tem truy xuất, thông qua phần mềm Zalo hoặc Viber, quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chị bảo chỉ cần 1 thao tác đơn giản, thông tin chi tiết của sản phẩm ấy sẽ hiện ra và mình sẽ nắm rõ nguồn gốc của sản phẩm ấy từ sản xuất đến thu hoạch. Nếu doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến việc dán tem truy xuất, thì người tiêu dùng không còn nơm nớp lo sợ mua phải hàng giả, hàng nhái.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm soát hàng hóa trong khâu lưu thông, qua đó phát hiện nhiều vụ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Hàng hóa có tính chất làm giả, làm nhái nhiều nhất là các loại rượu, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, trái cây... Theo dự báo của ngành chức năng, từ nay đến cuối năm, khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, tình trạng hàng giả, hàng nhái còn gia tăng hơn nữa, người dân cần nâng cao cảnh giác trong mua sắm, tiêu dùng.

Có lẽ giải pháp được người tiêu dùng lựa chọn để tự bảo vệ quyền lợi của bản thân là áp dụng quét mã vạch QR Code, nhằm truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hiện tại, hầu hết các sản phẩm chính hãng bán tại các siêu thị, các cửa hàng, quầy sạp, đại lý đều đã in mã vạch chống hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại đã cài đặt sẵn phần mềm miễn phí để quét trong vòng vài giây trước khi chọn mua sản phẩm để biết thông tin chính xác về dòng sản phẩm này.

Tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là dạng mã vạch 2 chiều được đọc bởi smartphone có chức năng chụp ảnh, kết nối mạng wifi, 3G hoặc 4G. Sau mỗi thao tác quét, hệ thống iCheck sẽ tự động gửi thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cho người dùng, bao gồm nơi sản xuất, nhà sản xuất, phân phối hoặc đơn vị kinh doanh sản phẩm; người dùng còn được biết về giá bán, điểm bán, công dụng, thành phần của sản phẩm.

Thanh long xuất sang Trung Quốc cũng phải có tem truy xuất

Thời gian gần đây, tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm của không ít doanh nghiệp (DN) đã gây bức xúc cho người tiêu dùng, dẫn đến làm suy yếu năng lực cạnh tranh của DN. Trước thực tế đó, nhiều DN tại Bình Thuận đã tập trung đầu tư sản xuất theo quy chuẩn, in mã vạch sản phẩm lên bao bì để người tiêu dùng kiểm chứng sản phẩm trước khi mua. Là thủ phủ thanh long, ngoài những DN chuyên xuất khẩu theo đường chính ngạch, khoảng 80% thanh long trong tỉnh được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Mới đây, trước yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu sang Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông báo cho các địa phương thống kê vùng trồng và nhà đóng gói thanh long để đơn vị đề nghị Cục BVTV cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói thanh long Bình Thuận. Có thể thấy, từ thị trường dễ dãi nhất là Trung Quốc nay cũng bắt đầu có những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc. Khi đã tuân thủ đúng những yêu cầu, thì việc xuất bán thanh long của nhiều DN sẽ diễn ra thuận lợi hơn.

Đối với xuất khẩu, việc ứng dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sẽ giúp DN hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn rất khó tính. Tuy nhiên, tại Bình Thuận việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là hoạt động còn khá mới, ngoài các DN xuất khẩu thanh long, thì ít có DN ứng dụng mã vạch trên sản phẩm. Do đó, ngành chức năng nên đẩy mạnh công tác truyền thông trong lĩnh vực này, vì nông nghiệp 4.0 trong tương lai sẽ không thừa!

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Chuyện không thừa!