Theo dõi trên

Từ 1/10, Việt Nam sẽ có Cục Đường cao tốc

26/08/2022, 10:21

Chính phủ vừa ban hành nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, trong đó Tổng cục Đường bộ sẽ được tách thành Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc.

Ngày 24/8, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký và ban hành Nghị định số 56/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

Theo đó, Bộ GTVT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, gồm: Vụ Kế hoạch - Đầu tư; Vụ Tài chính; Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; Vụ Vận tải; Vụ Pháp chế; Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra; Văn phòng; Cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đường cao tốc Việt Nam; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Hàng không Việt Nam; Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Cục Quản lý đầu tư xây dựng; Trung tâm Công nghệ thông tin; Viện Chiến lược và Phát triển GTVT; Trường Cán bộ quản lý GTVT; Báo Giao thông; Tạp chí GTVT.

Đáng chú ý, theo Nghị định này, Chính phủ quyết định tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.

Theo đề án Bộ GTVT xây dựng, Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có 5 phòng: Tổ chức - Hành chính; Pháp chế - Thanh tra - An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - Tài chính và Quản lý đầu tư xây dựng. Ba Chi cục Quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 và Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Cục Đường bộ cao tốc sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245km theo hình thức BOT và khoảng 773km do địa phương và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đầu tư.

Cục Đường bộ Việt Nam có khối phòng ban tham mưu tương tự Cục Đường cao tốc và có thêm các phòng: Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế. Dưới Cục Đường bộ có 7 chi cục là I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Năm 2022, số biên chế cơ quan hành chính của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là 728. Sau khi chia tách, dự kiến Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có 558 người và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có 170 người.

Đến tháng 8/2022, cả nước có 209 km đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; 245 km cao tốc theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư. Từ nay đến năm 2025, cả nước phấn đấu đưa thêm 2.000 km đường cao tốc vào khai thác./.

Đầu tháng 6/2022, Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ Giao thông vận tải đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam có khối tham mưu gồm 7 phòng: Tổ chức - hành chính; Pháp chế - thanh tra; Kế hoạch - đầu tư; Tài chính; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học - công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế; có 7 chi cục thực thi quản lý nhà nước gồm: 6 chi cục quản lý đường bộ I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Cục Đường bộ Việt Nam có khối đơn vị sự nghiệp gồm 11 đơn vị: Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, 2, 3 và 4; Trung tâm Kỹ thuật và truyền thông đường bộ; Trường cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ; Cụm phà Vàm Cống; Ban quản lý dự án 3, 4, 5 và 8.

Còn Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có khối tham mưu gồm 5 phòng: Tổ chức - hành chính; Pháp chế - thanh tra - an toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - tài chính; Quản lý đầu tư xây dựng và 3 chi cục quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 cùng 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Với số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao là 728, sẽ điều chuyển 558 biên chế cho Cục Đường bộ Việt Nam (121 biên chế khối cơ quan, 437 biên chế khối chi cục) và 170 biên chế cho Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam (65 biên chế khối cơ quan, 105 biên chế khối chi cục).

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bão số 3 đang tiến nhanh về bờ biển Móng Cái, Quảng Ninh
Sáng 25/8, bão số 3 ở trên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 14.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ 1/10, Việt Nam sẽ có Cục Đường cao tốc