Vượt khó vươn lên…
Trước giải phóng (30/4/1975), hoạt động công nghiệp và thương mại của Bình Thuận còn nhiều khó khăn và trở ngại. Thời đó, một số ngành nghề truyền thống ở địa phương có quy mô nhỏ lẻ nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất tự túc một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giải quyết phần nào nhu cầu tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ, bộ đội. Tùy tình hình, ta còn chủ trương sản xuất giấy, viết, xà phòng, dầu phộng, dệt vải, chăn, màn, khăn, băng, gạc y tế, muối… đến lựu đạn, mìn tự tạo, cải tiến súng SKZ, Bazoka. Nhờ vậy, trong những chiến công vang dội của quân và dân Bình Thuận có phần đóng góp từ ngành công nghiệp, kể cả thương mại thông qua tổ chức mua bán hàng hóa, tiếp tế hậu cần cho các lực lượng kháng chiến.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) với 2.000 lao động, hầu hết đều sử dụng thiết bị lạc hậu và không đồng bộ, hoạt động theo quy mô gia đình kiểu “cha truyền con nối”, tập trung ở các ngành nghề sửa chữa ô tô, đóng sửa tàu thuyền, sản xuất nước mắm, nước đá, cưa xẻ gỗ… Trong lĩnh vực điện năng, dù được tiếp quản các nhà máy nhiệt điện nhưng lại vận hành trong điều kiện thiếu thốn nguyên vật liệu do chịu ảnh hưởng bởi bao vây, cấm vận kinh tế nên sản lượng điện không đủ phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tính đến cuối năm 1992, sản xuất CN - TTCN trên địa bàn Bình Thuận cũng có mức tăng trưởng: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,48 lần và số lao động làm việc trong ngành tăng 76,7% so với năm 1976. Nhiệm vụ của thương nghiệp giai đoạn này chủ yếu là thu mua sản phẩm địa phương theo chỉ tiêu pháp lệnh và phân phối hàng hóa. Số liệu thống kê cho thấy đến năm 1985, tổng trị giá thu mua sản phẩm địa phương và tổng trị giá bán ra (kể cả điều động cho Trung ương) tăng gấp 7,95 lần so với năm 1976.
Những bước tiến dài
Năm 1992, sau khi chia tách tỉnh, đặc biệt là từ sau khi Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 5 tháng 10 năm 2005 về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển công nghiệp của tỉnh nhà, với sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành và sự thống nhất cao của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong nhận thức và hành động ngành Công Thương Bình Thuận bước sang giai đoạn mới, cột mốc đáng nhớ là vào tháng 4/2008, Sở Công Thương Bình Thuận được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại. Từ đó, một số ngành nghề, lĩnh vực mới được tạo điều kiện phát triển, công nghiệp quốc doanh cùng với công nghiệp dân doanh và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa CN - TTCN địa phương có những bước tiến dài. Một số sản phẩm lợi thế tăng trưởng nhanh, nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như hải sản chế biến, nước khoáng Vĩnh Hảo, muối công nghiệp... Ngoài ra công nghiệp Bình Thuận còn thu hút nhà đầu tư tham gia sản xuất những sản phẩm mới như: Nhựa composite, đồ gỗ trang trí nội thất, tole mạ màu, giấy dính cao cấp, năng lượng tái tạo…
Nhà máy điện gió Tuy Phong; Dự án điện mặt trời nổi đầu tiên ở Bình Thuận trên hồ Đa Mi. (ảnh : Ngọc Lân). |
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp, đến nay đã hình thành và đưa vào hoạt động 6 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp với 88 dự án đầu tư (trong đó có 29 dự án FDI) vào các khu công nghiệp và hơn 170 dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp, tham gia giải quyết việc làm cho hơn 18.700 lao động địa phương… Hiện trên địa bàn Bình Thuận có khoảng 740 cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, có 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, 24 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản và đều tập trung chế biến sâu các sản phẩm lợi thế của tỉnh như thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, công nghiệp chế biến rượu, nước giải khát từ quả thanh long, mủ trôm, tảo... Hoạt động khuyến công gần đây có nhiều khởi sắc, góp phần giúp một số ngành, nghề truyền thống của địa phương được khôi phục và tổ chức du nhập nghề mới đã hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển.
Cùng chuyển mình trong giai đoạn mới, nếu trước đây hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện ích chưa có thì nay tại địa phương đã phát triển “phủ kín” hệ thống chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ với nhiều hình thức đa dạng. Bình Thuận hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 137 chợ, 68 chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại (gồm 50 chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, 15 chuỗi cửa hàng Vinmart, 3 chuỗi cửa hàng Coopfood) và hệ thống các cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy… đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân lẫn du khách đến tỉnh tham quan, du lịch.
Thành tựu nổi bật
Theo định hướng phát triển, Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia và lĩnh vực này cho thấy tiềm năng to lớn khi trên địa bàn tỉnh đã có 42 nhà máy điện đang vận hành. Ngoài các nhà máy thủy điện, tại địa phương đã hình thành Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với tổng công suất 4.284 MW, gồm: Vĩnh Tân 1 (1.240 MW), Vĩnh Tân 2 (1.244 MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW)… Vùng đất cực Nam Trung bộ thừa nắng, thừa gió đã, đang và sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã xuất hiện những “siêu dự án” điện gió ngoài khơi với tổng mức đầu tư hàng tỷ USD. Riêng điện mặt trời, trong 3 năm gần đây (2018 - 2020) đã có 26 nhà máy được đầu tư với tổng công suất 1.071,88 MW, tương đương 1.346,7 MWp và hàng nghìn khách hàng là hộ, tổ chức kinh doanh điện mặt trời mái nhà đăng ký tổng công suất gần 338 MWp. Bình Thuận không những cung cấp đủ nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với trữ lượng lớn quặng sa khoáng titan ở Việt Nam, Bình Thuận chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện để hình thành các khu vực chế biến quy mô tại Khu công nghiệp Sông Bình (Bắc Bình) và 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Tân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp đã tham gia chế biến với sản lượng hơn 489.000 tấn bao gồm sản phẩm các loại: Ilmenit, tinh quặng zircon, rutil, bột zircon… Hàng hóa của Bình Thuận đã tham gia hầu hết thị trường các nước là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, xuất khẩu trực tiếp đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ lực là các mặt hàng thủy hải sản, nông sản (thanh long, cao su, điều), hàng may mặc, giày dép các loại,…
Có thể thấy, quá trình xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Bình Thuận luôn nỗ lực vượt khó, tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh hơn, bền vững hơn và toàn diện hơn.
Đ.Quốc