Theo dõi trên

Từ ngày 10/6/2019: Tăng mức phạt vi phạm hành chính trong lâm nghiệp

06/06/2019, 09:52

BTO- Chi cục kiểm lâm Bình Thuận vừa triển khai Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nghị định này thay thế Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

                
      Hội nghị triển khai Nghị định 35 của Chính phủ.

Nghị định 35/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2019. Nghị định quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo đó, cá nhân có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép (từ thời điểm lâm sản đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó, thì bị xử phạt như sau: Vận chuyển động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá dưới 15 triệu đồng; gỗ thuộc loài thông thường dưới 2 m3; thực vật rừng ngoài gỗ trị giá dưới 15 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đồng; vận chuyển ngà voi có khối lượng dưới 0,3 kg; thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 180 triệu đến 210 triệu đồng; động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 180 triệu đến 210 triệu đồng... thì bị phạt tiền từ 180 đến 210 triệu đồng.

Đặc biệt, phạt tiền từ 475 triệu đến 500 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển trái phép sản phẩm chế biến từ gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp trị giá từ 475 triệu đồng trở lên. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp với cá nhân là 500 triệu đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm.

Bình Thuận được đánh giá là tỉnh còn nhiều rừng so với cả nước và cụm Đông Nam bộ. Trong thời gian qua lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương xử phạt hành chính, đề nghị xử lý hình sự hàng trăm trường hợp vi phạm công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Song song với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án chống phá rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp; bố trí đủ lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn để tham mưu cho chính quyền cấp xã quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; tham mưu quy hoạch 3 loại rừng, đồng thời giao rừng cho chủ thể quản lý có hiệu quả.

 Nhật Bảo



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ ngày 10/6/2019: Tăng mức phạt vi phạm hành chính trong lâm nghiệp