Theo dõi trên

Từ nơi khô hạn đến vùng lúa trọng điểm của tỉnh

02/05/2025, 05:10

Từ vùng núi khó khăn khô hạn, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ nước trời, thường xuyên ăn củ mì, khoai độn cơm. Những người con Tánh Linh phải đi xe đạp hàng chục km trên con đường lộ huyết mạch nhưng sình lầy đến tận đầu gối mong kiếm con chữ để thoát cảnh nghèo khó. Giờ đây, nhiều người đã thành đạt nhất định. Và nơi miền núi ấy đã trở thành vùng lúa trọng điểm của tỉnh, nơi có thương hiệu gạo Tánh Linh, cá thát lát đang được thị trường ưa chuộng.

san-pham-nong-nghiep-o-tanh-linh-anh-n.-lan-1-.jpg
Sản phẩm nông nghiệp của Tánh Linh. Ảnh: N.Lân

Miền nhớ

Trong không khí lễ hội tưng bừng của tháng 4 lịch sử, miền ký ức bỗng ùa về từ vùng núi Tánh Linh. Những ký ức vụn vặt, chắp vá một thời gian khó ăn cơm độn khoai, mì lát. Sau ngày giải phóng, Tánh Linh - tách từ huyện Đức Linh năm 1983, có nhiều vùng kinh tế mới trải dài từ Suối Kiết đến Đức Phú. Núi non trùng điệp, thú dữ rình rập đến nỗi có người đang làm cỏ trong vườn nhà gần đường lộ nhưng vẫn bị heo rừng húc cho lủng đùi. Năm 1994, nhà chị ruột tôi ở mặt tiền đường ĐT. 717 bị cọp vào bắt con heo nái đang nuôi con, nửa đêm khi nghe heo kêu rống bất thường 2 vợ chồng chị mở cửa sau nhà kiểm tra thì thấy cọp cắn ngang cổ tha heo đi... Không chỉ có heo rừng, cọp mà có cả voi về phá nương rẫy ở xã Gia Huynh, sau đó Bộ Nông nghiệp phải tổ chức cả đội ngũ chuyên nghiệp vây bắt đàn voi đưa đi nơi khác gây chấn động cả nước...

duong-trung-tam-hanh-chinh-huyen-tanh-linh-anh-n.-lan-.jpg
Trung tâm hành chính huyện Tánh Linh. Ảnh: N.Lân

Thời gian trôi qua lại có thêm nhiều hộ di dân đến, Tánh Linh ngày càng đông người hơn, 2 bên tuyến đường ĐT 717 và quốc lộ 55 những ngôi nhà mới mọc lên, con em vùng kinh tế mới cũng thi nhau đến trường để học cao hơn... Nhà tôi đông người, lại đang trong độ tuổi lao động, chỉ có mình tôi nhỏ nhất đang đi học. Vậy nên đất có sẵn, chỉ cần khai hoang rẫy là trồng được cây mì, củ khoai, bắp hay cây bo bo. Với ruộng cũng vậy, hồi đó chưa có thủy lợi nên nơi nào có sông, suối là khai hoang, đất rộng người thưa, có sức thì làm “vô tư” tự cung, tự cấp. Còn nhớ niên học 1986 - 1987, mấy anh chị trong xóm đi học cấp 3 ở huyện Đức Linh (lúc ấy Tánh Linh chưa có trường cấp 3) phải ở trọ, nhưng chỉ mang đủ gạo ăn trong tuần, mang nhiều hơn một chút để biếu chủ nhà cho ở nhờ (đi học xa phải ở trọ cuối tuần mới về 1 lần), nhưng khi qua chốt quản lý thị trường - barie ở xã Đức Phú giáp ranh với huyện Đức Linh sẽ bị tịch thu, lý do là tránh buôn lậu.

Năm 1988, Tánh Linh có trường cấp 3 ở thị trấn Lạc Tánh, khỏi phải nói dân trong vùng vui như hội, trong đó có cả tôi, dù lúc ấy ai ở khu vực từ Nghị Đức đến Bắc Ruộng muốn học cấp 3 phải đạp xe từ 20 – 30 km. Hàng tuần phải cơm đùm, gạo xách đã đành, con đường đau khổ một thời ĐT. 717 sình lầy đến tận đầu gối, nhiều đoạn không có chỗ đất ráo để đẩy xe đi, chúng tôi phải vác xe đạp kèm gạo, muối mang theo ăn 1 tuần trên vai bì bõm lội sình để đến trường. Có lúc đi xe đò, loại xe chạy bằng than, lật lăn quay nhưng do sình lầy hơn nửa bánh xe nên trên xe chở vài chục người cũng chẳng có ai bị trầy xước tẹo nào...

Không biết có phải là nhờ những lời động viên của các cô chú lớn tuổi hay không mà lứa học sinh cấp 3 giai đoạn khó khăn ấy sau này lại có nhiều người thành đạt đáng nể phục. Nhiều người là bác sĩ nổi tiếng công tác ở các bệnh viện đầu ngành ở TP. Hồ Chí Minh, có người là giáo sư, tiến sĩ lọt vào tốp những nhà khoa học nổi tiếng. Có người là doanh nghiệp thành đạt đã ủng hộ tiền của về quê hương Tánh Linh để làm đường giao thông nông thôn, xây nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách và bắt đường điện làm mô hình ánh sáng an ninh nông thôn, xây dựng nông thôn mới...

Vùng lúa trọng điểm của tỉnh

Về Tánh Linh hôm nay, ăn cơm ngon với bạn bè tôi lại nhớ những năm 1995 - 1996 trở về trước, sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở Tánh Linh chủ yếu là sử dụng nước trời, nên phần lớn chỉ sản xuất được 1 vụ mỗi năm. Mùa khô dân phải bỏ ruộng do không có nước tưới, chỉ sản xuất được những nơi có đập thủy lợi tự chảy, nhưng diện tích không lớn do quy mô còn nhỏ. Sản lượng lương thực của huyện lúc ấy cũng chỉ đạt từ 60.000-70.000 tấn mỗi năm, bình quân lương thực đầu người vào khoảng 900 kg/người/năm, mức sống thấp. Thời điểm ấy, nước cho SXNN là vấn đề hết sức cấp thiết và là mối quan tâm hàng đầu của huyện Tánh Linh và người dân. Khi Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi chính thức được khởi công vào năm 1997. Nắm bắt cơ hội trên, huyện Tánh Linh xin chủ trương cấp trên để đầu tư hệ thống thủy lợi sông La Ngà. Qua các nhiệm kỳ, đến nay Tánh Linh đã cơ bản hoàn thiện hệ thống thủy lợi với 2 kênh chính Nam, kênh chính Bắc và “nối mạng” hệ thống chân rết đưa nước đi tưới mát hàng ngàn ha lúa trong huyện.

Ông Giáp Hà Bắc – Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, cho biết: Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn huyện đạt 33.650 ha, sản lượng lương thực ước đạt 196.267 tấn. Trong đó nổi bật là cây lúa, nhờ chủ động được mùa vụ gieo trồng nên diện tích gieo trồng đạt 27.480 ha, đạt sản lượng đạt 137.226 tấn. Các giống lúa chất lượng như ST25, OM5451, OM4900, OM18, ML202... được đưa vào sử dụng trên các cánh đồng mẫu theo hướng VietGAP để tạo ra dòng gạo chất lượng cao nằm trong chuỗi thương hiệu “Gạo Tánh Linh” để cung ứng ra thị trường...

Từ vùng núi nghèo khó, đến nay Tánh Linh đã thay da đổi thịt, trở thành vùng lúa trọng điểm của tỉnh. Chưa dừng lại ở đó, ngoài cây lúa, Tánh Linh đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và ưu tiên sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao. Đến nay Tánh Linh đã có gần 30 sản phẩm nông nghiệp OCOP đạt 3 – 4 sao. Từ vùng đất khó khăn đủ điều, đến nay ở Tánh Linh có rất nhiều hộ khá và giàu. Thống kê năm 2024 thu nhập bình quân đầu người ở Tánh Linh là 53,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20,5 triệu đồng so với năm 2020... để thấy vùng đất Tánh Linh không chỉ anh hùng trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn kiên cường, sáng tạo trong làm kinh tế để vùng núi ấy ngày càng giàu mạnh hơn...

“Tôi về Tánh Linh những ngày tháng 4 lịch sử, ngồi ăn cơm được sản xuất từ dòng lúa chất lượng cao trong chuỗi thương hiệu “Gạo Tánh Linh”, chan miếng canh khổ qua rừng nấu với chả cá thát lát đánh bắt từ Biển Lạc ngon đến lạ. Không biết do cá thát lát lạ miệng nên thấy ngon hay cảm giác ngon vì hương vị của quê nhà?!”

KÝ CỦA TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quỹ tín dụng nhân dân Nghị Đức thông báo thay đổi nội dung hoạt động
Căn cứ Quyết định số 119/QĐ-KV10, ngày 23/4/2025 của Ngân hàng Nhà nước chỉ nhánh Khu vực 10;
Nổi bật
Từ nơi khô hạn đến vùng lúa trọng điểm của tỉnh
Từ vùng núi khó khăn khô hạn, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ nước trời, thường xuyên ăn củ mì, khoai độn cơm. Những người con Tánh Linh phải đi xe đạp hàng chục km trên con đường lộ huyết mạch nhưng sình lầy đến tận đầu gối mong kiếm con chữ để thoát cảnh nghèo khó. Giờ đây, nhiều người đã thành đạt nhất định. Và nơi miền núi ấy đã trở thành vùng lúa trọng điểm của tỉnh, nơi có thương hiệu gạo Tánh Linh, cá thát lát đang được thị trường ưa chuộng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ nơi khô hạn đến vùng lúa trọng điểm của tỉnh