Tại Bình Thuận hiện nay có nhiều nhóm, trang trên mạng xã hội Facebook lập ra với mục đích chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, giá cả các mặt hàng nông sản. Trong đó, các nhóm liên quan đến cây thanh long là nhiều nhất. Được lập cách đây 2 năm “Nhóm Giá cả hằng ngày và chia sẻ cách làm Thanh Long đẹp Bình Thuận” đang là nhóm có lượng người tham gia nhiều nhất với 19.764 người tham gia. Anh Nguyễn Văn Lân, người lập, quản lý nhóm cho biết, việc lập nhóm xuất phát từ việc bản thân bán “hớ” thanh long. Anh cho biết: Cách đây 2 năm, tôi bán thanh long với giá 17 nghìn đồng/ kg. Nhưng khi hỏi giá người khác thì họ cũng bán cùng ngày với mình nhưng bán được với giá 18 nghìn đồng/kg. Biết bị người mua ép giá nên tôi rất bực. Sau mấy ngày tìm hiểu, biết nhiều người cũng bị như mình nên tôi quyết định lập nhóm để mọi người cùng chia sẻ, khỏi bị lái ép giá. Khoảng một tháng sau khi lập, nhóm đã có gần 1.000 người tham gia. Tôi không ngờ nhóm của mình lại thu hút nhiều người tham gia. Sau này, lượng người nhập nhóm nhiều quá nên tôi đã mời anh Tự Trọng ở Bắc Bình và anh Thành Kim Tân ở xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) cùng tham gia nhóm”.
Từ mục đích ban đầu là chia sẻ giá thanh long hàng ngày, đến nay Nhóm Giá cả hằng ngày và chia sẻ cách làm-Thanh Long đẹp Bình Thuận đã thành một diễn đàn, để mọi người chia sẻ các vấn đề về cây thanh long. Từ việc chong đèn thanh long bao nhiêu ngày thì cho ra hoa nhiều, cành thanh long bị tóp thì dùng loại phân gì để phục hồi cho cây… Khi vườn nào có trái thanh long chuẩn bị bán người dân chụp ảnh, đăng lên nhóm để hỏi giá cũng như chào hàng cho các thương lái có tham gia nhóm biết hỏi mua. “Việc tham gia vào nhóm giúp tôi nhiều lợi ích. Cách đây 4 tháng, vườn thanh long có biểu hiện héo cành ở một số trụ. Tôi chụp ảnh rồi đưa lên nhóm thảo luận. Mọi người giúp đỡ, chỉ cách tìm nguyên nhân, chữa trị rất nhiệt tình. Tôi làm theo cách mọi người chỉ và phát hiện ra rễ ở các trụ thanh long có dây bị héo đã bị hư một phần. Tôi lại đưa lên nhóm và tiếp tục được mọi người chia sẻ kinh nghiệm. Giờ thì mấy trụ thanh long đang phục hồi rất tốt”, ông Hùng, một người trồng thanh long ở xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ. Đến nay, với một số người, nhóm Giá cả hằng ngày và chia sẻ cách làm - Thanh Long đẹp Bình Thuận như “một chuyên gia tư vấn”, mỗi khi họ mua một loại thuốc mới để vuốt tai hay trị bệnh cho thanh long, họ đều đưa lên nhóm để xem có người đã sử dụng loại thuốc đó chưa, tốt hay xấu hoặc khi sử dụng một loại thuốc hay một loại phân bón nào không hiệu quả, các thành viên cũng đăng lên nhóm để cho mọi người cùng biết... Các thành viên trong nhóm hiện nay rất đa dạng. Ngoài người trồng còn có những thương lái thu mua trái thanh long tham gia. “Làm việc này không ai trả lương nhưng giúp được mọi người nên tôi cũng vui. Nhiều khi có một số thành viên nhờ việc đưa trái thanh long của mình lên nhóm mà bán được giá tốt. Bán xong họ gọi mình đi nhậu…”, anh Tân cười chia sẻ. Sau thành công của nhóm Giá cả hằng ngày và chia sẻ cách làm-Thanh Long đẹp Bình Thuận, có nhiều nhóm khác chia sẻ về cây thanh long cũng được lập ra như: Hội nông nghiệp thanh long Tiến Thành - Bình Thuận, Hội nông dân trồng thanh long Bình Thuận… Ngoài nhóm Giá cả hằng ngày và chia sẻ cách làm - Thanh Long đẹp Bình Thuận thu hút gần 20 nghìn người tham gia, thì nhóm Rồng xanh Bình Thuận 8group cũng có 12.210 người tham gia.
Có thể nói, việc thành lập các nhóm, trang để người nông dân tham gia chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, giá cả nông sản hàng ngày đang mang lại hiệu quả lớn, giúp người dân sản xuất hiệu quả hơn. Nhưng kinh nghiệm dùng thuốc trị các loại bệnh trên cây trồng mà thành viên các trang, nhóm này chia sẻ hầu hết là kinh nghiệm của bản thân. Người nông dân đang cần sự tư vấn của các nhà khoa học, cán bộ có chuyên môn. Việc thành lập một trang do các cơ quan liên quan đến nông nghiệp lập ra chuyên tư vấn cho bà con nông dân trên mạng xã hội là đòi hỏi chính đáng và cần thiết để giúp người dân nhiều hơn…
Nguyễn Luân