Khu vực rừng mà Báo Bình Thuận phản ánh. Ảnh: Trần Minh |
UBND tỉnh thống nhất và giao Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Tánh Linh thực hiện nghiêm túc những giải pháp xử lý tại Công văn số 1083/SNN-KHTC ngày 16/4/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT. Đối với kiến nghị của UBND huyện Tánh Linh về cắm mốc ranh giới rừng và đất sản xuất nông nghiệp, trồng lại rừng trên diện tích bị lấn chiếm mới, giao khoán trồng rừng trên diện tích đã tác động từ trước; UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với UBND huyện Tánh Linh để giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.
Trước đó (ngày 3/4/2018), Báo Bình Thuận đăng bài “Bức tử rừng nguyên sinh”. Nơi bài báo phản ánh là tiểu khu 319, thuộc địa giới hành chính xã Đức Phú (Tánh Linh), do Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An quản lý. Sau khi báo đăng, UBND tỉnh và huyện Tánh Linh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan khẩn trương xác minh làm rõ. Tại Công văn số 1083/SNN-KHTC ngày 16/4/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định nội dung bài báo phản ánh là có, nhưng rừng, đất rừng tại tiểu khu 319 bị tác động qua nhiều năm.
Cụ thể, theo kết quả xác minh: Phần diện tích tại khu vực thác Trượt đã được đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng từ năm 2010 và được cấp sổ đỏ. Tại tọa độ VN 2000 BT có 1 cây gỗ tạp bị cưa hạ nằm cạnh bìa rừng, đường kính bình quân 47 cm, dài 11 m, khối lượng ước khoảng 1,907 m3, gỗ đã bị lấy hết khỏi hiện trường; thời điểm bị khai thác khoảng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tại khu vực thác Đầu Trâu có việc người dân lén lút phát dọn dây leo, bụi rậm để trồng trĩa hoa màu dưới tán rừng. Đến năm 2002, khi dự án giao khoán đất theo Nghị định 01 của Chính phủ triển khai thì khu vực này đã bị phá và tác động dưới tán rừng. Những năm tiếp theo, người dân vẫn lén lút phát dọn cây tái sinh, cây bụi rậm dưới tán rừng, đồng thời dùng thuốc diệt cỏ, đục lỗ vào thân cây hoặc vạt vỏ xung quanh gốc (ken cây) cho cây tự chết. Sau khi cây chết, người dân tiến hành chặt hạ mỗi năm một ít để trồng hoa màu. Bước đầu xác định có khoảng 3.272 m2 bị lấn chiếm từ nhiều năm trước, 790 m2 đất có hiện trạng tre le, cây bụi mới bị phát dọn. Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An, tháng 3/2007, khi tiếp nhận để quản lý thì khu vực này đã bị một số người dân thôn Tà Pứa (Đức Phú) lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là dây leo, bụi rậm nhưng vẫn còn một số cây gỗ rải rác. Mỗi năm đơn vị đều lập kế hoạch nhổ bỏ cây trồng trên đất lấn chiếm (năm 2016 nhổ bỏ gần 51.000 m2, năm 2017 nhổ bỏ hơn 13.000 m2). Đồng thời yêu cầu các hộ dân làm cam kết không phá rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng việc lấn chiếm đất rừng vẫn tái diễn. Đối với nội dung “ken cây” mà Báo Bình Thuận phản ánh, qua kiểm tra tại thác Đầu Trâu có 64 cây bị vạt vỏ từ lâu, 8 cây mới bị vạt vỏ, hai bên thác có 34 cây bị ngã đổ do người dân đốt gốc, chặt hạ bằng búa, rìu. Đơn vị chủ rừng cho rằng, do lực lượng mỏng, việc kiểm tra chủ yếu tập trung vào những vùng giáp ranh nên công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, việc lập hồ sơ để xử lý đối tượng vi phạm vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Cây rừng bị cưa hạ, gỗ bị lấy đi, hiện trường chỉ còn lại những tấm bìa. Ảnh: Trần Minh |
Về giải pháp xử lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh thụ lý hồ sơ vi phạm do Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An chuyển; phối hợp với Công an huyện Tánh Linh, UBND xã Đức Phú khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định. Yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An tăng cường lực lượng ứng trực; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi phá rừng, khai thác, ken cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm quản lý rừng tận gốc đối với tập thể và cá nhân được phân công quản lý rừng tại khu vực này vì đã không báo cáo, phản ánh kịp thời. Đối với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại khu vực thác Đầu Trâu, yêu cầu đơn vị chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý theo quy định, đồng thời nghiên cứu tham mưu thiết lập một vành đai và phục hồi lại diện tích rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND huyện Tánh Linh chỉ đạo Công an huyện phối hợp các đơn vị liên quan trong việc điều tra, xác định đối tượng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng. Cùng với đó, tổ chức đo đạc diện tích đất thực địa của các hộ dân có đất canh tác giáp với khu vực rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An quản lý, để làm sơ sở xử lý vi phạm.
LÊ PHÚC