BTO- Chiều tối nay (27/10), Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện số 03 đến các địa phương, sở ngành liên quan về chỉ đạo đối phó bão số 9. Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng đến khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 tại các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai, diễn biến và hướng di chuyển của bão số 9.
Kiên quyết không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống; giảm tối đa thiệt hại về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng khi bão đổ bộ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết kiểm tra, rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của bão thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và về nơi tránh trú bão an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, duy trì thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời các tình huống sự cố, tại nạn có thể xảy ra trên biển. Hướng dẫn, bố trí việc neo đậu tàu thuyền, phương tiện vận tải tại các bến cảng, khu neo đậu đảm bảo an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ và xả lũ hồ chứa.
UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các địa phương, nhất là các khu vực đang bị sạt lở thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cắm biển cảnh báo để thông báo cho người dân, khách du lịch biết, chủ động sơ tán người và tài sản các hộ dân bị sạt lở, uy hiếp trực tiếp đến nơi an toàn. Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ. Đặc biệt là người ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, trên tàu thuyền, trong các nhà không an toàn, các khu dân cư ven biển, cửa sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu. Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trụ sở, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, khu du lịch,... ven biển chịu tác động trực tiếp của bão đổ bộ.
Tăng cường trực ban, kiểm tra, bảo đảm an toàn tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; theo dõi tình hình mưa, lũ, lưu lượng về hồ để vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa. Thông báo kịp thời cho người dân khu vực hạ du hồ chứa biết trước khi vận hành xả lũ, tăng lưu lượng xả lũ theo quy định.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, những khu vực dễ bị ngập sâu để chủ động điều tiết giao thông, hạn chế các phương tiện qua lại trong thời gian xảy ra ngập lụt, sạt lở. Quân sự, Công an, Biên phòng tỉnh và các cơ quan, đơn vị thường trực liên quan tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư, trang thiết bị để tập trung ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai công tác ứng phó với bão số 9, mưa, lũ, ngập lụt trước, trong và sau bão gây ra. Lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt kéo dài…
Kiều Hằng