Các giải pháp ứng dụng cho nông nghiệp
Bình Thuận có điều kiện phát triển ngành nông nghiệp toàn diện ở 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh, thị trường, giá cả không ổn định; hạn hán, biến đổi khí hậu cũng ngày càng phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng không nhỏ năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương. Trong khuôn khổ liên quan, hội nghị giới thiệu kỹ thuật số, thiết bị công nghệ hiện đại ứng dụng phù hợp để phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản, sản phẩm lợi thế của tỉnh, do Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh tổ chức mới đây góp phần hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nông dân tìm hiểu lĩnh vực mới mẻ này, nâng cao năng suất, chất lượng. Tại đây, các chuyên gia, nhà quản lý, đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ cao đã giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ sở, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trong tỉnh; hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng các phần mềm quản lý như phần mềm Checkee. Giải pháp ứng dụng công nghệ máy bay không người lái, máy gặt đập liên hợp, máy sạ cụm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, thông minh của Công ty TNHH Đại Nông cơ giới. Giải pháp được ứng dụng tại một số hợp tác xã, hộ gia đình ở các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình đem lại hiệu quả cao so với sản xuất truyền thống.
Các chuyên gia cũng đã giới thiệu các mô hình ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp, phù hợp thời tiết Bình Thuận. Các đơn vị sản xuất, hộ gia đình được các chuyên gia chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, hệ thống tưới tiêu, thiết kế chi tiết nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước, bón phân, hệ thống thiết bị điều chỉnh nhiệt độ trong nhà màng phù hợp sản xuất các loại cây trồng nông nghiệp ứng dụng CNC; qua đó giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp CNC giúp nông dân chủ động sản xuất, khắc phục tính mùa vụ, giảm lệ thuộc thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, thông tin chính sách tín dụng trong nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ người sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được một số ngân hàng thương mại trong tỉnh giới thiệu tại hội nghị cho mọi người tìm hiểu.
Hiệu quả từ mô hình, ứng dụng
Theo Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh, những năm gần đây, một số trang trại trong tỉnh ứng dụng CNC trồng dưa lưới, nho, thanh long… đạt năng suất, chất lượng cao như Bình An Farm (huyện Hàm Thuận Nam). Một số mô hình khuyến nông ứng dụng CNC đem lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh như mô hình cánh đồng lớn thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại HTX Đức Phú, Lạc Tánh, Bắc Ruộng huyện Tánh Linh, với quy mô 172 ha. Lợi nhuận cao hơn lúa đại trà trên 25%. Cùng với đó, mô hình trồng, thâm canh thanh long theo giàn kết hợp tưới nước tiết kiệm Hàm Thuận Nam được chứng nhận GlobalGAP. Thanh long năm thứ ba sinh trưởng tốt, cành mập, màu xanh tươi, ra nhiều trái. Mô hình trên dễ thực hiện cơ giới hóa, thuận tiện phun thuốc trừ sâu bệnh xuất hiện ít, làm cỏ, bón phân.
Theo báo cáo tại hội nghị, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa khoảng 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).