Y sĩ Nguyễn Thị Phi Khánh, Trạm Y tế xã Hàm Mỹ, (Hàm Thuận Nam) chia sẻ: “Trước đây, khi chưa triển khai phần mềm KCB, 1 người ngồi khám bệnh, 1 người ngồi ghi sổ sách, bây giờ chỉ cần mở máy tính lên và nhập thông tin bệnh nhân, ra đơn thuốc cũng ở trên phần mềm, tiện lợi rất nhiều. Đơn thuốc được in ra rõ ràng và tránh sai sót”. Ông Lê Văn Thanh, cư trú thôn Phú Hưng, xã Hàm Mỹ nói: “Tôi cũng thường đến trạm y tế xã để khám bệnh, đến đây không phải chờ đợi lâu. Bệnh thông thường tôi đến đây khám cho gần…”.
Không phải chỉ có Trạm Y tế xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam mà tại tất cả các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực khác ở trên địa bàn Bình Thuận cũng đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT hơn 3 năm nay. Hiện tại, phần mềm đã liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu với hệ thống phần mềm giám định BHYT của cơ quan bảo hiểm xã hội trên toàn quốc nhằm quản lý thẻ và thời gian khám chữa bệnh chặt chẽ. Ông Cao Văn Đề, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: “Các trạm y tế xã thực hiện hơn 3 năm qua đã cơ bản thạo phần mềm. Hoạt động khám, chữa bệnh được thực hiện thuận lợi hơn. Tại Trung tâm Y tế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT với nhiều phần mềm được đưa vào sử dụng, trong đó có phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT. Qua việc ứng dụng này giúp quản lý tốt được công tác khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh”.
Theo TS. BS. Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện tại 100% cơ sở KCB của tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT theo đúng quy định và đều trích xuất được dữ liệu đầu ra để báo cáo theo yêu cầu. TS. Vũ khẳng định: “Kết quả giám định trực tuyến bảo hiểm y tế, hồ sơ gửi đúng hạn của tỉnh đạt trên 95%. Việc ứng dụng CNTT thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn do đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu, nhất là cơ sở hạ tầng nên đôi khi chưa đáp ứng được. Phần mềm đem lại nhiều thuận lợi trong hoạt động KCB ở cơ sở, nhưng đôi khi vẫn còn chạy chậm phải chờ đợi do máy tính cũ chưa đảm bảo cấu hình, đường truyền chậm hoặc sự cố cúp điện. Trước khi triển khai phần mềm, cán bộ đều được tập huấn, hướng dẫn, song một số cán bộ y tế đã lớn tuổi thì việc sử dụng còn chưa thành thạo. Đây là những khó khăn khắc phục trong thời gian tới. Theo định hướng của các cơ sở KCB, hoạt động KCB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT hướng đến xây dựng bệnh án điện tử và bệnh viện thông minh. Tuy nhiên, trước hết cần tháo gỡ những khó khăn hiện tại, cần tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, về kinh phí, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ y tế, đẩy mạnh tuyên truyền trong ngành y tế và các cơ sở bán thuốc tư nhân… cần có cơ chế về trả phí và thống nhất liên thông giữa các phần mềm và cần quan tâm đầu tư nhiều hơn để triển khai bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử ở các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh. Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực KCB là hết sức cần thiết nhằm nâng chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; bảo đảm việc thanh toán chi phí BHYT hiệu quả, minh bạch.
Đặng Minh Thông