Theo dõi trên

Ứng xử với dạy thêm, học thêm

20/09/2016, 14:07

BTO- Học thêm, dạy thêm có lẽ là vấn đề “nóng” trong những ngày bắt đầu năm học 2016-2017. Trên nhiều trang báo gần đây vấn đề học thêm dạy thêm được bàn đến. Các ý kiến cho rằng cần dạy thêm học thêm vì phụ huynh có nhu cầu đầu tư nhiều nhất và tốt nhất cho việc học của con. Con học thêm để giỏi hơn, để được điểm cao và để thi đậu. Cho con học thêm, nhất là trong lúc hè là cùng lúc tránh cho con lêu lổng ngoài đường hay không có ai quản lý. Có ý kiến cho rằng một số trò không đủ thông minh trí tuệ, có những em thiếu tố chất để tiếp thu nhanh trong lớp nên cần học thêm. Chương trình nặng nên không học thêm giờ thì không hoàn thành được chương trình. Ở lớp không đủ giờ để làm bài tập nên thầy phải tổ chức dạy thêm để bổ túc kiến thức và dĩ nhiên khi cho bài kiểm tra thì có một số giáo viên dựa trên những bài tập này. Học thêm để luyện thi, để tăng khả năng thi đậu….

                
Ảnh minh họa

Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được luận bàn, mổ xẻ rất nhiều lần và ở mỗi góc nhìn, lập luận của người trong cuộc đều có lý lẽ riêng - đồng tình lẫn phản bác. Tuy xác định đây là nhu cầu có thực và không thể cấm hoàn toàn, nhưng ngành chủ quản cần xác định phạm vi đến đâu, học thêm, dạy thêm bao nhiêu là đủ? Và dạy thêm, học thêm ở đâu? Ai quản lý?Dạy thêm, học thêm lâu nay là vấn đề bức xúc của nhiều người dân, là vấn đề nan giải của ngành giáo dục. Bản thân việc dạy thêm không có gì xấu khi học sinh có nhu cầu học thêm chính đáng, nhưng những biến tướng tiêu cực của việc dạy thêm tràn lan lâu nay đã làm vẩn đục hình ảnh người giáo viên, làm mất lòng tin của người dân với ngành giáo dục.

Thiết nghĩ, để có ứng xử với dạy thêm, học thêm, trước hết phải thay đổi từ gốc, đó là chương trình dạy học. Chương trình phải được giảm tải, vừa sức học sinh, coi trọng kỹ năng ứng dụng và thực hành, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường, gia đình và xã hội không chạy theo thành tích. Không tổ chức dạy thêm trong trường, thay vào đó là dạy bồi dưỡng đối với học sinh giỏi, phụ đạo đối với học sinh yếu, kém. Cần động viên, khuyến khích học sinh tự học ở nhà. Những năm gần đây xuất hiện nhiều thủ khoa đại học là học sinh nông thôn, tự học, không học thêm. Điều đó cho thấy, nếu học sinh có kỹ năng tự học, sẽ học rất giỏi, đạt thành tích cao… Học thêm dạy thêm mang yếu tố tiêu cực thì không ai ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề này phải có cái nhìn thực tiễn và khoa học chứ không thể không quản lý được thì cấm.

Ta rất cần một triết lý giáo dục hợp thời, cấu trúc chương trình thích ứng, những phương pháp sư phạm có khả năng thực hiện triết lý giáo dục và nội dung chương trình với những phương thức đánh giá - đào tạo chứ không phải đánh giá trả bài. Đồng thời ta cũng cần áp dụng những mẫu liên hệ thầy trò hợp tình hợp lý. Hợp tình hợp lý ở đây có nghĩa là vừa giữ văn hóa “tôn sư học đạo” vừa tiếp cận những hiểu biết mới về tâm lý học trò và trào lưu dân chủ ở trường học.

 Cũng đừng nói vì lương giáo viên ít” nên giáo viên phải dạy thêm. Đó là một vấn đề chính sách lương bổng. Phải làm sao cho giáo viên đủ sống theo mức thu nhập trung bình của địa phương để toàn tâm toàn trí lo cho học sinh thay vì bắt học sinh hay cha mẹ phải … nuôi thầy cô. Có một câu nói rất ý nghĩa, đại ý: “Muốn nhìn vào một quốc gia, trước hết nhìn vào nền giáo dục của quốc gia đó. Muốn nhìn vào giáo dục, trước hết hãy nhìn vào cách ứng xử với giáo viên”.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng xử với dạy thêm, học thêm