Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay đã vận hành được trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. Triển khai kịp thời kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến 100% các bộ, ngành, tỉnh và 93% quận, huyện, thị xã; 62/95 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Hiện nay, đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu (dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019).
Tại Bình Thuận, đến thời điểm này, 100% cơ quan các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đều có kết nối internet tốc độ cao và kết nối mạng bằng đường truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định. Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ có hiệu quả các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương với tỉnh; giữa UBND tỉnh với 10/10 UBND huyện, thị xã, thành phố. 100% thủ tục hành chính các cơ quan nhà nước tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2, 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên các nguồn lực để tập trung triển khai. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số bảo đảm đúng quy trình, thể thức, giá trị pháp lý. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ văn thư, lưu trữ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
L.P