Theo dõi trên

Ưu tiên nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế địa phương

08/08/2022, 05:29

Trong 7 tháng của năm 2022, hoạt động ngân hàng, tín dụng trên địa bàn tỉnh đúng định hướng và phát triển khá ổn định. Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng (gọi tắt là các TCTD) đã thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng an toàn và có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu và các chương trình, chính sách tín dụng của địa phương.

Các TCTD thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đối thoại và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền cơ chế, chính sách đến doanh nghiệp, người dân. Đồng thời góp phần hạn chế, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

ngan-hang.jpg

Một thuận lợi đáng ghi nhận là mặt bằng lãi suất diễn biến tương đối ổn định so với những năm trước. Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 2,9 - 4%/năm; kỳ hạn từ 6 - 12 tháng là 3,7 -6,9%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên là 4,4 - 7%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4,5%/năm (riêng Quỹ Tín dụng nhân dân là 5,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9 - 11,5%/năm.

Trong 7 tháng qua, các TCTD đã tiếp tục đẩy mạnh quan hệ khách hàng, tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tính đến ngày 31/7/2022, nguồn vốn huy động của các TCTD trong tỉnh đạt 56.286 tỷ đồng, tăng 15% so đầu năm 2022. Các TCTD tiếp tục mở rộng cho vay với phương châm “an toàn và hiệu quả”, gắn với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương. Đến 31/7/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 76.049 tỷ đồng, tăng 2,5% so đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay bằng VNĐ đạt 73.975 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 44.062 tỷ đồng, chiếm 58,7% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 4% tổng dư nợ, lãi suất từ 6 - 7%/năm chiếm khoảng 6,8% tổng dư nợ, lãi suất từ 7 -9%/năm chiếm 32,3% tổng dư nợ; lãi suất từ 9 - 12%/năm chiếm khoảng 52,1% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 4,8% tổng dư nợ.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương. Trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 41.741 tỷ đồng, chiếm 55,6% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 299 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 618 tỷ đồng, chiếm 0,82% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.822 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67 có số dư nợ 812,6 tỷ đồng. Trong đó, cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 250,1 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 559,9 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 2,6 tỷ đồng. Cho các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 3.663 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 đạt 91,28 tỷ đồng/255 hộ. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay 45.891 triệu đồng đối với 11 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 13.981 lao động. Cho vay để phục hồi sản xuất với số tiền 45.641 triệu đồng/7 doanh nghiệp/ 13.903 người lao động.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 194 máy ATM, tăng 7 máy so với đầu năm và 1.525 máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Bình Thuận cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các quy định về lãi suất huy động ngoại tệ, quy định cho vay bằng ngoại tệ, các quy định về mua bán ngoại tệ; đồng thời thường xuyên theo dõi hoạt động của các đại lý đổi ngoại tệ... Những việc làm trên đã giúp cho việc quản lý ngoại tệ trên địa bàn tỉnh đúng quy định pháp luật. Có thể nói hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong thời gian qua đã góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế địa phương.

HUỲNH THANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về lĩnh vực thuốc thú y
BTO - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong vừa có công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế địa phương