Mô hình xin lỗi công dân khi chậm trễ giải quyết TTHC đang được nhiều địa phương trên cả nước triển khai. Đây được coi là nét mới trong công tác cải cách hành chính, tạo được sự gần gũi, niềm tin giữa người dân với chính quyền.
Trước đây, thường thì trong quan hệ với dân, cán bộ, công chức, viên chức chỉ hứa bằng một tờ giấy hẹn, nếu trễ hẹn cũng hạn hữu mới nói lời xin lỗi, hoặc chỉ giải thích qua loa đại khái và việc xin lỗi cũng “hơi khó” bắt gặp, chứ chưa nói đến đền bù thiệt hại cho công dân do người có thẩm quyền gây ra. Chậm trễ với dân thì phải xin lỗi, xin lỗi để sửa lỗi và có “trách nhiệm” hơn trong vai trò công bộc của dân, việc ấy không có gì đáng phải xấu hổ mà là một cử chỉ rất văn hóa - văn hóa xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Để giảm hồ sơ bị chậm trễ, không đúng hẹn và thể hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi phục vụ nhân dân thì các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện công khai kết quả giải quyết TTHC và công khai xin lỗi khi giải quyết TTHC đối với các tổ chức, cá nhân bị chậm trễ.
Công khai kết quả và công khai xin lỗi khi giải quyết TTHC được coi là nét mới trong công tác CCHC giúp chất lượng phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu cứ chậm trễ trong giải quyết TTHC mà chỉ xin lỗi là xong thì chẳng có gì đáng bàn. Bởi vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Khi thực hiện TTHC, các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp nhận và báo cáo giải trình đúng trách nhiệm, phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm trễ, tiêu cực trong giải quyết TTHC tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Nó không dừng lại ở việc thể hiện nét văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến “nền hành chính vì dân” mà còn tạo mối quan hệ thân thiện giữa người dân với chính quyền ngày càng bền chặt.
Xin lỗi chỉ là một bước, bước quan trọng hơn là khi nhận ra lỗi thì phải khắc phục, tức là phải giải quyết cho được, cho nhanh cái lỗi chậm trễ, điều ấy mới quan trọng. Điều cốt lõi ở đây chính là đạo đức công vụ, phải thực sự cầu thị. Cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan hành chính nhà nước có làm “tròn vai” của mình không. Có thực sự coi mình là công bộc của dân hay không. Bởi nếu cứ coi việc xin lỗi chỉ là một thủ tục, là đối phó, rằng xin lỗi là xong thì sẽ vẫn chỉ là hình thức. Chắc chắn rằng, cán bộ, công chức, viên chức không muốn phải xin lỗi. Người dân, doanh nghiệp lại càng không cần được xin lỗi. Cho nên đi kèm với xin lỗi cần có cam kết, không chỉ với người dân, doanh nghiệp, mà còn cả với địa phương, cơ quan, đơn vị là sẽ không tiếp tục để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xử lý TTHC thuộc phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Để giảm hồ sơ bị chậm trễ, trả không đúng hẹn và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC, thời gian qua, tại Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện công khai kết quả giải quyết TTHC, như: niêm yết kết quả giải quyết tại trụ sở, trên Trang thông tin điện tử của đơn vị mình hoặc thông báo bằng văn bản, qua email, điện thoại… cho tổ chức, cá nhân phù hợp với các tổ chức, cá nhân bị chậm trễ.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đúng với chuyên môn đào tạo, có thái độ văn minh, lịch sự, tận tình, chu đáo khi giải quyết công việc. Ngoài ra cũng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá thái độ phục vụ của người thực thi công vụ tại đơn vị mình để chấn chỉnh hành vi vi phạm. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về chất lượng trong thực thi TTHC, cung cấp dịch vụ công. Người đứng đầu thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân. Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không thể không rõ ràng dứt khoát, né trách, đùn đẩy trách nhiệm.
Biết nhận lỗi và xin lỗi người dân, doanh nghiệp là hành vi rất cần thiết và rất đáng được “hoan nghênh” khi cán bộ, công chức, viên chức làm chưa tròn “vai” được giao. Việc không có thư xin lỗi là hành vi vi phạm cần phải được nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý theo quy định nhằm giữ vững kỷ cương hành chính nhà nước, giữ được hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy phục vụ nhân dân.