Đồng bào dân tộc thiểu số và mô hình bắp lai tại Hàm Thuận Bắc. |
Tập huấn kỹ thuật
Có mặt tại xã Đông Giang những ngày cuối tháng 5, chúng tôi mới cảm nhận được không khí bận rộn khi đồng bào nơi đây bắt đầu bước vào vụ sản xuất bắp năm 2017. Hôm ấy là ngày khá đặc biệt - một buổi tập huấn do Trung tâm dịch vụ miền núi phối hợp Công ty giống CP tổ chức. Có đến hơn 100 người, cả già lẫn trẻ, nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ. Ai cũng tay ẵm, tay địu con nhỏ tập trung ở hội trường thôn văn hóa xã để nghe truyền đạt kỹ thuật làm đất, cách chọn giống bắp và cách làm sao cho đạt năng suất, phòng trừ bệnh hiệu quả. Theo một cán bộ củatrung tâmdịch vụ miền núi, dù năm nào trước mùa xuống giống, bà con cũng được tập huấn kỹ càng, nhưng nhiều người lại hay quên hoặc muốn tham dự để thêm kinh nghiệm và bày tỏ những thắc mắc trong quá trình sản xuất. Không khí buổi tập huấn sôi động hẳn lên, khi những nông dân chất phác không ngần ngại bày tỏ ý kiến. Có mặt tại hội trường, ông K’ Văn Thin (thôn 1, xóm 2, xã Đông Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 ha đất trồng bắp. Trong năm 2016 tôi thu hoạch đạt hơn 3 tấn/ha. Sau khi bán cho Trung tâmdịch vụ miền núi và trừ hết chi phí đầu tư ứng trước, thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Ở vụ mới này tôi chưa vội cày vì sợ chai đất nên có thể để nguyên trỉa hạt”. Còn bà Mang Thị Mai (xóm 7, thôn 3) bày tỏ, năm nào bà cũng tham dự tập huấn trước mỗi mùa sản xuất. Tuy nhiên, bản thân bà Mai cũng như nhiều phụ nữ khác trong xã sợ không thực hiện được các bước kỹ thuật như lúc tập huấn vì trình độ còn hạn chế…
Đầu tư ứng trước
Ông Vũ Đăng Diện - Phó Giám đốc Trung tâmdịch vụ miền núi Bình Thuận cho biết: “Năm 2017 toàn tỉnh có 1.287 hộ đồng bào đăng ký đầu tư ứng trước, với diện tích 2.720 ha bắp. Riêng xã Đông Giang có 246 hộ đăng ký giống bắp lai các loại, với diện tích 470 ha”.
Theo ông Diện, đến thời điểm này, trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hàng hóa để cung ứng cho các cửa hàng, đại lý trên địa bàn tỉnh. Theo đó, số lượng bắp giống dự kiến 40 tấn, 1.000 tấn phân bón và 20 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Tổng trị giá các mặt hàng từ 11 đến 12 tỷ đồng. Dự kiến từ cuối tháng 5 đến khoảng 20/6/2017 đồng bào tại các địa phương sẽ triển khai xuống giống, khi thời tiết có mưa, đất đủ độ ẩm.
Nói về lợi ích của việc đầu tư ứng trước cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết thêm, đây là việc làm ý nghĩa, giúp các hộ đồng bào không phải mua chịu, vay nặng lãi bên ngoài, giúp bà con có đủ giống sản xuất với chất lượng tốt. Mặt khác, nhằm chuyển đổi đất canh tác từ các loại cây không hiệu quả sang trồng bắp lai ngắn ngày năng suất cao. Để hiểu rõ hơn về hoạt động này, chúng tôi được biết, hàng năm Trung tâm Dịch vụ miền núi, lãnh đạo UBND xã… tổ chức phổ biến đến từng hộ dân để bà con đăng ký diện tích đầu tư. Sau đó, UBND xã tổng hợp báo cáo về Trung tâm Dịch vụ miền núi để được Ban Dân tộc tỉnh phê duyệt làm căn cứ đầu tư ứng trước cho các hộ đồng bào. Khi nhận vật tư ứng trước có ghi chép sổ sách của cửa hàng đại lý và người dân. Việc giao nhận vật tư đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của từng hộ. Trong đó, mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống…được Trung tâm Dịch vụ miền núi chủ động tập kết tại cửa hàng và giao cho các hộ để sản xuất kịp thời vụ. Quá trình sản xuất, cán bộ nông nghiệp của xã cùng các cửa hàng đại lý phối hợp với cán bộ địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của cây bắp. Đến thời gian thu hoạch, căn cứ vào giá thông báo của trung tâm và chất lượng bắp lai của từng hộ, từ đó xác định giá mua...
Kiều Hằng