Theo dõi trên

Về nơi “khó” nhất Phan Sơn!

11/12/2024, 05:36

Hình ảnh làng quê xưa hiện về trong tâm trí khi tôi đặt chân đến Ka Lúc, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận, với những mong ước nơi đây sớm thay da đổi thịt, trở thành làng quê văn minh, hiện đại.

20241127_075802.jpg
Một góc xã Phan Sơn.

Ở Phan Sơn

Quốc lộ 28B, đoạn từ thị trấn Lương Sơn đi Phan Sơn dài gần 40 km không mấy dễ đi lúc này, vì xuyên suốt tuyến đang được cải tạo nâng cấp, mở rộng theo Dự án cải tạo, nâng cấp QL 28B của Bộ Giao thông Vận tải kết nối 2 trung tâm du lịch là TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP. Phan Thiết (Bình Thuận). Với mặt đường nhiều chỗ lồi lõm, máy đào, máy múc san lấp rầm rầm, công nhân miệt mài làm việc đẩy nhanh tiến độ.

untitled-1.jpg
Quốc lộ 28B đang thi công.

Vượt qua cung đường ấy đến cuối đường, xã Phan Sơn hiện ra sau một cánh rừng và hồ Sông Lũy mênh mông. Ở đây, tôi cảm giác mình đang ở vùng đất cuối cùng của Bình Thuận, đánh dấu chấm hết diện tích tự nhiên quản lý theo bản đồ hành chính của Bình Thuận với Lâm Đồng. Toàn xã Phan Sơn có 4 thôn gồm Ka Líp, Bon Thớp, Ka Lúc, Tà Moon, với dân số 991 hộ/4.091 khẩu, chủ yếu là dân tộc Raglay, Cơ Ho, trong đó có 227 hộ nghèo và 230 hộ cận nghèo.

img_3476.jpg
Ka Lúc nằm đơn độc dưới chân núi Ông Bà.

Trong số các thôn ấy có Ka Lúc là xa nhất, cách trung tâm xã 12 km, nằm sâu trong chân núi Ông Bà. Người dân muốn ra xã giao dịch thủ tục hành chính hoặc giao thương với thế giới bên ngoài phải vượt cầu sông Ly, qua vùng đất sản xuất không người ở rộng lớn của xã Phan Lâm lân cận, nơi có dự án nước tưới Phan Rí – Phan Thiết. Đến giờ khi đã rời thôn trở về nơi ở, tôi vẫn chưa quên hình ảnh cô quạnh của Ka Lúc. Mặc dù ở đây đã có điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa theo chuẩn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới.

20241127_133238.jpg
Trẻ em ở Ka Lúc.

Nhưng do xuất phát điểm quá thấp, lại ở xa trung tâm xã, huyện, tỉnh, cộng với quanh năm, người dân chỉ với công việc chính là làm rẫy canh tác bắp, mì, mè; chăn nuôi gia súc; lúc nông nhàn đi rừng hái lượm cải thiện thêm cuộc sống gia đình. Những công việc ấy lại đang ngày càng lao dốc khi cây trồng nhiều sâu bệnh, vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá hoặc mất mùa mất cả giá thường xuyên; sản vật rừng cạn kiệt. Người dân nhờ vào vật nuôi, nhưng những năm gần đây vật nuôi cũng đang mất giá. Bởi vậy, cái nghèo đeo bám triền miên, toàn thôn có hơn 70 hộ nghèo trong tổng số 294 khẩu, chưa kể hộ cận nghèo, cao nhất trong 4 thôn của Phan Sơn.

img_3429.jpg
Nhà của Mơ Nhẽo.
img_3447.jpg
Bên trong không có gì đáng giá.
img_3439.jpg
Giường ngủ tự chế.

Làng quê xưa

Có lẽ vậy nên trong thôn không thiếu nhà tình thương và nhà tạm bợ, dột nát. Nhà của chị Mơ Nhẽo là trong số đó, đúng kiểu “một túp lều tranh hai trái tim vàng” ngày xưa. Với bên trong không có gì đáng giá ngoài vật dụng sinh hoạt hằng ngày, thậm chí chiếc giường không có để nằm đúng nghĩa. Điều đó đối với họ là bình thường, nhưng với tôi người sống ở thành phố, quen nhìn nhà lầu, xe hơi thì thấy bất bình thường. Mơ Nhẽo kể, mình mồ côi cha mẹ rất sớm nên không có ruộng đất, chỉ trông nhờ vào bên chồng, nhưng nhà chồng cũng nghèo khổ, đông anh, chị, em. Không có nhà ở hai vợ chồng lên rừng chặt tre, nứa về dựng tạm bợ ngôi nhà dưới chân núi ở, mùa nắng mình không lo, chỉ lo mùa mưa. Hằng ngày chồng mình đi rừng hái, lượm, còn mình ai thuê gì làm nấy nuôi con.

img_3460.jpg
Một góc Ka Lúc, y như làmg quê xưa.

Ngoài đến thăm hộ Mơ Nhẽo, tôi còn theo Ya Đông – thôn trưởng Ka Lúc đến nhiều hộ nghèo khác trong thôn. Cuộc sống của họ không khá hơn hộ Mơ Nhẽo, có vài hộ như hộ Trần Thị Bông được cha mẹ cho đất canh tác nuôi con đang tuổi ăn học. Nhưng những năm gần đây trồng bắp, mì, mè luôn thất thu, không đủ trả nợ cho cửa hàng tạp hóa, nơi như một chợ thu nhỏ, ai cần giống, phân bón hoặc nhu yếu phẩm, cứ đến mua. Ya Đông nói, người dân ở đây sống vậy bao đời nay, không mua hàng hóa ở cửa hàng tạp hóa thì mua ở đâu. Chợ chính thức nằm ở thị trấn Lương Sơn cách thôn gần 40 km, chỉ khi nào cần thiết thì mới đi.

Vào mùa vụ còn có việc làm, lúc nông nhàn người dân đi rừng, chăn bò mặc định cuộc đời mình vậy. Khi có lễ, hội thì họ tập trung ở nhà sinh hoạt cộng đồng, còn phần lớn nhà nào biết nhà đó. Buổi tối thanh niên trong thôn tụ tập ở nhà ai có tivi xem phim ảnh, tiếp cận với thế giới bên ngoài qua màn hình nhỏ. Hình ảnh ấy y như làng quê xưa, lại thấy ở Ka Lúc lúc này.

20241127_151108.jpg
Người dân Ka Lúc.

Ước vọng

Người dân nơi đây, nhất là phụ nữ, người có quyền nhất trong gia đình theo chế độ mẫu hệ, đang ước có công ty, xí nghiệp hình thành trong khu vực để họ đi làm công nhân. Theo xã Phan Sơn, năm 2024 giải quyết việc làm cho 50 lao động, đào tạo nghề cho 67 lao động. Con số ấy là rất nhỏ so số với dân số của xã. Tuy vậy, Phan Sơn cũng đang cùng với các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình xây dựng nông thôn mới.

20241127_152754.jpg
Sống nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi. 
20241127_152700.jpg
Người dân Ka Lúc phơi bắp.

Ông K Bảy - Chủ tịch UBND xã Phan Sơn chia sẻ, từ năm 2022 đến nay đã hỗ trợ 30 con bò cái sinh sản cho các hộ nghèo theo dự án 2 của chương trình giảm nghèo bền vững; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung cho 30 hộ theo chương trình phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS… Trong đó có cả hộ nghèo ở Ka Lúc và còn lại đang tiếp tục giải quyết vào năm 2025. Tuy vậy, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ triển khai thực hiện các chương trình còn chậm, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều tiêu chí chưa bền vững. Điều đó thể hiện trên diện mạo của xã và những khát vọng đổi đời của nhân dân Ka Lúc...

GHI CHÉP CỦA NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đầu tư trạm bơm, kênh mương tưới ở Phan Sơn, Phan Lâm là cần thiết
Mới đây, cử tri xã Phan Sơn, Phan Lâm (Bắc Bình) phản ánh về tình hình thiếu nước sản xuất vào mùa khô tại buổi tiếp xúc cử tri 2 cấp gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Mỗi năm sản xuất chỉ được 1 vụ, chủ yếu nhờ vào nước trời. Điều này ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân vùng Phan Sơn, Phan Lâm. Vì vậy, người dân mong muốn phát triển hệ thống thủy lợi.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về nơi “khó” nhất Phan Sơn!