Nợ xấu
Trong khi câu chuyện một khách hàng ở Hà Nội làm thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu đồng của Ngân hàng Eximbank sau 11 năm trở thành 8,8 tỷ đồng đang “dậy sóng” thì ở Bình Thuận nhiều người cũng "dở khóc dở cười" với nợ xấu từ thẻ tín dụng dẫn đến không vay được vốn ngân hàng. Anh Trần Lực ở Phong Nẫm, Phan Thiết chuyên kinh doanh xe ô tô cũ. Anh là thợ sửa xe ô tô có tay nghề cao trong vùng nên khách hàng khá đông. 3 năm trở lại đây, thị trường ô tô sôi động, nhiều người mới có bằng lái muốn mua ô tô cũ để luyện tay lái cho thành thạo. Nắm bắt được nhu cầu khách hàng nên anh kinh doanh thêm xe ô tô cũ. Để có thêm vốn kinh doanh, anh đem sổ đỏ đến ngân hàng vay vốn. Thế nhưng nhân viên ngân hàng sau khi rà soát các thủ tục, qua kiểm tra hệ thống CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, nơi thu nhập và cung cấp thông tin tín dụng ngân hàng) thì vợ chồng anh bị nợ xấu từ thẻ tín dụng M. Ngạc nhiên trước thông tin bị nợ xấu, anh khẳng định với ngân hàng là từ trước đến nay anh chưa vay ngân hàng, nhân viên nói anh hỏi lại chị nhà thì mới tá hỏa. Lúc đầu chị V. khẳng định cũng vay vốn ngân hàng nhưng khi nhắc đến thẻ tín dụng thì chị V. chợt nhớ ra.
Vốn là cách đây 5 năm có nhân viên ngân hàng M. hỏi thông tin của vợ chồng chị nói sẽ giúp chị làm thẻ tín dụng, lúc nào cần thì có thể rút tiền. Thấy cũng tiện lợi nên chị đồng ý gửi thông tin cho nhân viên ngân hàng M. làm. Tuy nhiên, từ đó đến nay chị không nhận được thẻ cũng như chưa tiêu đồng nào trong thẻ. Sau khi tìm hiểu thì mới hay, dù chị không xài tiền nhưng hàng năm ngân hàng M.vẫn trừ phí dịch vụ trong thẻ nên dẫn đến vợ chồng anh chị bị nợ xấu?!
Còn với anh T. làm thẻ tín dụng ngân hàng S. hạn mức 30 triệu đồng, ban đầu anh vẫn sử dụng tài chính trong thẻ và trả nợ bình thường nhưng 3 năm nay do có nguồn trong tài khoản ngân hàng dồi dào nên anh không quan tâm đến thẻ tín dụng. Mới đây, khi đi vay ngân hàng anh vẫn bị thông báo dính nợ xấu từ thẻ tín dụng của ngân hàng S. quýnh quáng anh phải ra quầy giao dịch ngân hàng năn nỉ hủy thẻ tín dụng..
Không chỉ có nợ xấu từ thẻ tín dụng “bất đắc dĩ” mà hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân bị nợ xấu trong ngân hàng, bởi rất nhiều nguyên nhân do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Mới đây, anh Thạch Tuấn Anh ở khu phố 1, Xuân An, thành phố Phan Thiết đã gửi đơn khiếu nại đến Báo Bình Thuận với việc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Bình Thuận “bỗng dưng” đưa anh vào nợ xấu dẫn đến anh vay ngân hàng khác không được. Nội dung: “Theo thông báo 5/TB-CNBTN-BL ngày 3/1/2024 của Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Bình Thuận thể hiện số dư nợ gốc của tôi theo Hợp đồng tín dụng trên tính đến ngày 3/1/2024 là 216.800.000 đồng. Ngày trả nợ gốc, lãi theo lịch là ngày 25 hàng tháng. Nếu tôi không thanh toán đúng hạn (bao gồm chậm từ 1 ngày trở lên) thì toàn bộ khoản dư nợ vay tại ngân hàng sẽ tự động chuyển nợ xấu (nhóm 5).
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ đối với khoản vay trong hợp đồng tín dụng nêu trên, tôi thực hiện rất nghiêm túc và đúng thời hạn thanh toán các khoản tiền lãi. Khi nhận được thông báo trên, tôi cũng đã thanh toán tổng số tiền gốc và lãi với số tiền là 14.060.466 đồng vào đúng ngày 25/1/2024, theo như yêu cầu của ngân hàng.
Đến ngày 26/1/2024, vì cần tiền để kinh doanh, tôi có đến những ngân hàng khác để vay tiền, tuy nhiên hồ sơ của tôi đều bị các ngân hàng khác từ chối và không tiếp nhận mà không nêu rõ lý do. Sau đó, tôi có liên hệ đến Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Bình Thuận để giải đáp thắc mắc và được trưởng phòng tín dụng trả lời, tôi đã bị mắc khoản nợ xấu (thuộc nhóm 5) từ tháng 12/2023”. Phóng viên Báo Bình Thuận đã liên hệ với Ngân hàng VietinBank -Chi nhánh Bình Thuận và đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ ngân hàng.
Phương án trả nợ
Rất nhiều người thắc mắc mình có tài sản hơn 2 tỷ đồng, chỉ vay ngân hàng 500 triệu đồng nhưng vẫn không được cho vay. Anh Thanh Linh có nhà đất mặt đường nhựa ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh ước trị giá gần 3 tỷ đồng, đang kẹt tiền làm ăn nên tìm đến ngân hàng A. hỏi vay 500 triệu đồng nhưng sau khi thẩm định, ngân hàng không giải quyết cho vay bởi anh không có phương án trả nợ. Ngân hàng MB. cũng không giải quyết cho vay với lý do trên. Mới đây, anh Trần Ngọc M. ở thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc có 400 m đất thổ cư ở xã Hàm Hiệp, đem thế chấp ngân hàng vay 600 triệu đồng nhưng cũng bị từ chối do không có phương án trả nợ. Đem thắc mắc này hỏi một nhân viên ngân hàng thì được biết: Sau "bong bóng" bất động sản vỡ, hàng loạt ngân hàng đều có nợ xấu tăng cao, nhất là mảng thế chấp bất động sản. Từ đây, nhiều ngân hàng “ngầm” siết chặt lại khoản vay, nếu không có phương án trả nợ tốt. Phương án trả nợ được ngân hàng giải thích là nếu anh sản xuất thì phải có công trình thực tế, có thu nhập và phải chứng minh trồng các loại cây con, sản xuất hàng hóa gì, thu nhập, lợi nhuận… Với hộ kinh doanh thì phải có giấy phép kinh doanh, thời gian kinh doanh, giấy nộp thuế, hồ sơ kế toán thu, chi, lợi nhuận…
Dịch Covid-19 đã qua gần 2 năm nhưng tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn vẫn còn dư âm nặng nề. Giải quyết vấn đề nợ xấu là bài toán khó cho cả người vay lẫn ngân hàng nhưng thực tế hiện nay rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp rơi vào thế “chẳng đặng đừng”, vì vướng nợ xấu. Và bây giờ các ngân hàng lại chặt chẽ hơn trong khâu kiểm duyệt về phương án trả nợ nên nhiều người vì những lý do này mà khó vay được vốn ngân hàng…