Thưa ông, đối tượng nào được tham gia BHXH tự nguyện và quyền lợi được hưởng như thế nào?
Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Có thể hiểu BHXH tự nguyện là hình thức tham gia đối với những người lao động tự do, người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo… để hưởng lương hưu khi về già. Nhằm đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với từng nhóm đối tượng, BHXH tự nguyện có các mức đóng, phương thức đóng linh hoạt. Người lao động tự chủ lựa chọn phương thức đóng, mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm. Người tham gia BHXH tự nguyện khi có đủ các điều kiện theo quy định được hưởng quyền lợi: Chế độ hưu trí (hưởng lương hưu hàng tháng, BHXH một lần), chế độ tử tuất (trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần, trợ cấp tuất hàng tháng). Người tham gia BHXH tự nguyện dừng đóng BHXH tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định, không nhận BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Ngoài ra, người hưởng lương hưu được hưởng BHYT do quỹ BHXH bảo đảm.
Tại Bình Thuận, việc triển khai BHXH tự nguyện có gì vướng mắc không?
Tính đến tháng 5/2018, toàn tỉnh Bình Thuận có 794 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 67,2% kế hoạch, giảm 19 người so tháng 4/2018, tăng 18% so cùng kỳ năm 2017. Nhìn chung, kết quả thực hiện về đối tượng tham gia và số thu hàng năm thì năm sau có tăng cao hơn so năm trước. Tuy nhiên, do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn nên số người dân tham gia còn ít, số người tham gia so với lực lượng lao động đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 0,11%). Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu; số người tham gia BHXH tự nguyện mới còn hạn chế, hàng năm phát triển chậm.
Nguyên nhân chậm là do chính sách chưa thỏa đáng hay do ý thức người tham gia?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp là do công tác tuyên truyền chưa đạt kết quả; người dân chưa nhận thấy hết được tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện; người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Bên cạnh đó, thu nhập của nhiều người lao động, nhất là ở vùng nông thôn còn thấp, không ổn định nên chưa tham gia BHXH tự nguyện… Từ ngày 1/1/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn được hỗ trợ mức cao hơn mới thu hút được họ tham gia BHXH tự nguyện.
Ông nói rõ hơn mức hỗ trợ của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm này?
Theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ thì người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Nhà nước cũng có thể hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH đóng theo phương thức 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc số tiền hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng năm đóng.
Vậy, phương thức đóng BHXH tự nguyện được quy định như thế nào?
Phương thức đóng rất linh hoạt. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như: Đóng hàng tháng; hoặc đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần; hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, nhưng không quá 5 năm một lần; hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định nói trên cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Xin cảm ơn ông!
LÊ THANH (thực hiện)