Theo dõi trên

Việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Hướng đến giải quyết dứt điểm

03/05/2016, 08:53

BT- Từ 1/7, Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực. Theo đó, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ phải chịu áp dụng mức phạt cao nhất 20 năm tù giam, bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng và bị cấm sản xuất, kinh doanh. Đây có lẽ là thông tin mang đến cho người tiêu dùng phần nào sự yên tâm về nỗi lo thực phẩm “bẩn”…

                
Ảnh minh họa

Đầu năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp& PTNT đã tiến hành kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước tiểu test nhanh tại tất cả các trại chăn nuôi heo có nêu tên theo thông tin phản ánh của Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh và của báo chí về việc phát hiện chất cấm trong nước tiểu vượt ngưỡng cho phép. Gồm các trang trại chăn nuôi heo tập trung có quy mô từ 6.000 đến 9.000 heo thịt thuộc các xã Tân Xuân, Tân Hà, Thắng Hải (Hàm Tân). Đây là các trại heo nuôi gia công cho Công ty CP Việt Nam và Công ty TNHH Japfa. Ngoài ra còn kiểm tra một số hộ chăn nuôi heo có quy mô đàn từ 10 - 30 con tại các xã trên. Tuy nhiên, qua kết quả test nhanh 8 mẫu nước tiểu lấy từ các cơ sở trên đều cho kết quả âm tính với chất cấm. Tại huyện Hàm Thuận Nam, theo nguồn tin của Thanh tra Bộ Nông nghiệp & PTNT về tình hình vận chuyển, tập kết heo có chất cấm tại thôn Văn Lâm (xã Hàm Mỹ). Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại 3 cơ sở giết mổ heo thuộc thôn Văn Lâm. Qua quan sát, ghi nhận số heo hiện đang có trong chuồng để chuẩn bị giết thịt không thuộc nhóm nguy cơ có chất cấm (mông lép, đùi nhỏ…). Đoàn kiểm tra thống nhất không lấy mẫu.

Về kết quả xác minh sơ bộ theo thông tin theo phản ánh của Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc với ông Lê Huy Viên, kiểm dịch viên, kiêm Trưởng Trạm thú y thị xã La Gi, trực tiếp phụ trách kiểm dịch động vật xuất tỉnh. Đoàn kiểm tra cũng làm việc với ông Lê Văn Dương (Đồng Nai) - chủ doanh nghiệp vận chuyển, mua bán heo Hoàng Dương. Ông Dương cho biết, về 7 trường hợp các lô heo có phát hiện chất cấm, có 4 trường hợp do các xe của ông Dương trực tiếp chở; 3 trường hợp do ông Dương hợp đồng chở. Quá trình vận chuyển heo từ Bình Thuận về các cơ sở giết mổ TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ngoài tỉnh được cấp đến các cơ sở giết mổ TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên theo ông Dương, số heo trên không trực tiếp chuyển về các cơ sở giết mổ tại TP. Hồ Chí Minh mà được đưa về tập kết heo tại khu vực Nghĩa trang Biên Hòa (Đồng Nai) để phân loại heo và tiến hành trộn lẫn heo Bình Thuận với số heo khác thu mua từ các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Sau đó, dùng giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y Bình Thuận cấp, vận chuyển heo về các cơ sở giết mổ TP. Hồ Chí Minh. Cũng theo ông Dương, lý do trộn heo là do yêu cầu của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh và do heo Bình Thuận mông lép, tỷ lệ nạc thấp nên phải trộn heo tốt vào. Quá trình tráo trộn được thực hiện khéo léo, không ảnh hưởng đến kẹp chì niêm phong trên xe.

Như vậy, qua kiểm tra cho thấy các đợt kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, tỉnh chưa phát hiện có chất cấm trong các địa bàn trọng điểm theo thông tin, phản ánh của Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh và báo chí. Do đó, hiện Sở Nông nghiệp & PTNT đã và đang chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh siết chặt công tác kiểm dịch động vật xuất ngoài tỉnh, nhất là các địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai. Đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng PC 49 - Công an tỉnh tiếp tục xác minh làm rõ nguồn gốc các lô heo trên. Ngoài ra, theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp & PTNT trong năm 2016, mục tiêu chung của ngành là ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm (đặc biệt là Salbutamon, VAT Yellow) trong chăn nuôi, hóa chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm an toàn có xác nhận được nâng cao. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản cần quan tâm đặc biệt. Đơn cử như triển khai tập huấn, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản. Cấp phát tờ rơi, tờ dán và băng rôn có nội dung tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản, sản phẩm an toàn…

TRUNG LƯƠNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Hướng đến giải quyết dứt điểm