Hạ viện Anh bác đề xuất dành quyền phủ quyết Brexit cho các nghị sỹ
Ảnh minh họa. Ảnh: AP |
Đề xuất dành quyền phủ quyết Brexit cho các nghị sỹ do Công đảng đưa ra đã bị bác bỏ với 326 phiếu thuận và 293 phiếu chống. Chỉ có 7 nghị sĩ Bảo thủ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của phe đối lập - một con số thấp hơn dự kiến. Theo giới quan sát, nếu đề xuất này được thông qua, các hạ nghị sỹ sẽ được trao quyền phủ quyết việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khiến tiến trình Brexit lâm vào bế tắc.
Trước đó, phía Công đảng đã đề nghị sửa đổi dự luật Brexit để các hạ nghị sỹ có tiếng nói chuẩn thuận cuối cùng trước khi Chính phủ kích hoạt Điều 50. Điều đáng chú ý là đề xuất này được một số nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ. Để giảm thiểu sức ép, Thủ tướng Theresa May phải cam kết tiến hành bỏ phiếu về đề xuất sửa đổi dự luật Brexit và phía Công đảng đối lập coi đây là một thỏa hiệp "quan trọng".
Cùng ngày, Thủ tướng Theresa May đã đồng ý trao cho Quốc hội nước này quyền bỏ phiếu thông qua dự thảo thỏa thuận về Brexit, trước khi văn bản này được hoàn tất giữa Anh và EU.
Đây được xem như một nhượng bộ quan trọng từ phía bà May nhằm tránh một cuộc "nổi loạn" trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền của mình đối với dự luật trao quyền cho Thủ tướng khởi động tiến trình đàm phán chính thức về Brexit, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 2 năm bắt đầu từ cuối tháng 3 này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May cũng cảnh báo ngay cả trong trường hợp các nghị sĩ Quốc hội không thông qua các điều khoản của dự thảo thỏa thuận cuối cùng về Brexit, trong đó có thỏa thuận về mối quan hệ thương mại mới với EU, nước Anh vẫn sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi khối này.
“Các đối tác Liên minh châu Âu của chúng ta muốn khởi động các cuộc đàm phán. Tôi cũng muốn điều đó và cả quốc hội cũng thế. Thông điệp này không có gì khó hiểu cả. Bây giờ không phải là lúc cản trở ước muốn dân chủ của người dân Anh. Bây giờ là lúc chúng ta nên khởi động tiến trình Brexit và xây dựng một nước Anh tự chủ và toàn cầu hóa”, bà May nói.
Trong khi đó, cũng trong ngày hôm qua, với 90 phiếu thuận và 34 phiếu chống, Quốc hội Scotland đã thông qua quyết định bác bỏ kế hoạch của Thủ tướng Anh về Brexit.
Dù cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính biểu tượng và không ràng buộc, nhưng Thủ hiến Scotland bà Nicola Sturgeon cho rằng, đây là một phép thử để xem liệu tiếng nói của Scotland có được lắng nghe hay không và những nguyện vọng của người Scotland có được đáp ứng trong quá trình Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6 vừa qua, mặc dù vùng England và xứ Wales lựa chọn Brexit nhưng hầu hết người dân ở Scotland và Bắc Ailen phản đối, trong đó, hơn 60% cử tri Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU.
Bà Sturgeon nhiều lần yêu cầu chính phủ Anh xem xét lợi ích của Scotland trong các cuộc đàm phán sắp diễn ra về Brexit, đồng thời cảnh báo Scotland sẽ chọn giải pháp trưng cầu ý dân về độc lập nếu điều này không xảy ra.
Trong khi đó, ông Michael Russell, nhà đàm phán Brexit của Scotland cho biết, cho đến nay, Chính phủ Anh chưa đưa ra bất cứ động thái gì, ngay cả một sự hồi đáp hoặc thậm chí chỉ là xem xét đề xuất của Scotland.
Hầu hết các nghị sỹ phản đối trong cuộc bổ phiếu vừa diễn ra cho rằng việc kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon nên bị bác bỏ bởi có quá nhiều câu hỏi mà chính phủ vẫn chưa trả lời, trong đó có chính sách liên quan đến việc rút khỏi thị trường chung Liên minh Châu Âu.
Thùy Linh/VOV