Giảm nghèo đạt mục tiêu
Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó các dân tộc Raglai, K’ho, Chơ Ro sinh sống tập trung ở 11 xã và 20 thôn xen ghép. Riêng dân tộc Chăm cư ngụ tập trung ở 4 xã gồm: Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa (huyện Bắc Bình) và xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong). Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thuận lợi. Trong đó, thuận lợi nhất là ĐBDTTS có truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương. Những năm qua, các chính sách giảm nghèo được tỉnh triển khai hiệu quả và kịp thời. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho hộ ĐBDTTS nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, giai đoạn từ 2016 - 2019, tổng số vốn giải ngân cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 2.494 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho trên hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Nhờ đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3,67% thời điểm cuối năm 2017 giảm còn 2,72% tại thời điểm cuối năm 2018. Đặc biệt, tính từ năm 2016 đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay trên 35.000 lượt hộ ĐBDTTS nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với số tiền giải ngân trên 1.121 tỷ đồng, đạt 137% kế hoạch vốn đã xây dựng đến năm 2020 theo Chương trình giảm nghèo bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,9%/năm
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 0,9%/năm. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính bền vững, thiết thực hơn. Trong đó, chú trọng huy động nguồn lực từ những chương trình, đề án và cộng đồng xã hội để đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, triển khai công tác đào tạo nghề đáp ứng theo nhu cầu và đặc thù của từng địa phương, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Mặt khác, bên cạnh các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tiếp bước cho em đến trường” tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và các chương trình vận động đóng góp hỗ trợ cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên. Từ việc phân tích cụ thể hộ nghèo theo nhóm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và thiếu điều kiện sản xuất, tỉnh sẽ có giải pháp đổi mới phương thức hỗ trợ phù hợp nhằm khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo..
Song song, tập trung giải ngân vốn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phối hợp hội, đoàn thể, các đơn vị có liên quan lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, thường xuyên xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp hộ nghèo, hộ ĐBDTTS vay vốn tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Bình Thuận hiện có trên 304.000 hộ dân với dân số trên 1,2 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số trên 101,7 ngàn người, chiếm tỷ lệ 8% dân số toàn tỉnh. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2018 còn lại 23.632 hộ, chiếm tỷ lệ 7,75%, trong đó hộ nghèo chiếm 2,72%; hộ cận nghèo chiếm 5,03%. |
KIM ANH