Toàn cảnh hội nghị
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Năng lực và hiệu quả hoạt động của ngân hàng CSXH tỉnh, huyện được nâng lên. Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 2.616 tỷ đồng, tăng 944 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 2.608 tỷ đồng, tăng 943 tỷ đồng so năm 2014 với trên 100,2 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh phát biểu chỉ đạo. |
Vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% các thôn, khu phố trong toàn tỉnh. Tổng số vốn Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đạt 3.150 tỷ đồng, với trên 141 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Qua đó, góp phần giúp trên 28 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 6,6 ngàn lao động; giúp trên 9,7 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 108 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn…
Bà Trần Lan Phương – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam đánh giá caosự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư. Đặc biệt, hiệu quả vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn, vùng khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tặng bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh và giấy khen của Ngân hàng CSXH Việt Nam cho các tập thể cá nhân
Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh khẳng định việc chuyển biến rõ nhận thức của cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, từ đó đã thực hiện phối hợp, hỗ trợ cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Bình Thuận đạt kết quả từ khâu tuyên truyền, chuyển ngân sách hàng năm cho ngân hàng, ủy thác các nội dung theo hợp đồng các đoàn thể, củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban Đại diện các cấp cũng như hỗ trợ phương tiện, kinh phí hoạt động một số đơn vị.
Đặt biệt, sự phối hợp tham gia của mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp góp phần nâng chất lượng hoat động, đổi mới nội dung phương thức hoạt động về cơ sở, chăm lo đối tượng người nghèo, củng cố xây dựng tổ chức hội. Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, không để xảy ra những tiêu cực.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý những tồn tại, đó là công tác tuyên truyền vẫn chưa thường xuyên, sâu rộng trong một bộ phận đoàn viên, hội viên, và nhân dân nên nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách tín dụng. Vốn hoạt động tại chi nhánh tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của các hộ nghèo và đối tượng chính sách, trong đó vốn ngân sách của tỉnh và huyện chuyển qua cho ngân hàng chính sách vẫn còn thấp.
Vốn Ngân hàng CSXH huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân còn khiêm tốn. Công tác phối hợp của đoàn thể với ngân hàng ở một số nơi nhất là ở cấp xã vẫn chưa hiệu quả…
Thời gian đến, Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải nâng cao nhân thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị đối với tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh các biện pháp tăng thêm các nguồn vốn để Ngân hàng CSXH tỉnh hoạt động. Quan tâm hơn nữa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả nguồn vốn…
Thanh Duyên