Theo dõi trên

Vụ buôn lậu xăng, dầu nghìn tỷ: Sớm đưa người cầm đầu ra ánh sáng

27/12/2018, 09:29

BT- Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu xăng, dầu xảy ra tại Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (DĐHP) (xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong) đã khép lại với mức án thích đáng dành cho 12 bị cáo. Tuy nhiên, Luyện Xuân Tràng - nhân vật được cho là cầm đầu điều hành toàn bộ đường dây buôn lậu “khủng” vẫn đang là dấu chấm hỏi của vụ án.

                
Các bị cáo nghe tuyên án.

 Chức chủ tịch trên danh nghĩa

Theo hồ sơ, rạng sáng ngày 29/1/2016, đoàn kiểm tra liên ngành do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì kiểm tra tàu BTS Christina thuộc sở hữu của Công ty BTS Tankers, Singapore, do Romel Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) làm thuyền trưởng, đang bơm xăng từ tàu lên bồn chứa của Công ty DĐHP. Phát hiện có hành vi buôn lậu, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra mở rộng. Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày 14/10/2015 đến ngày 29/1/2016, Nguyễn Đức Mạnh là người điều hành công ty DĐHP, trực tiếp ký toàn bộ các thủ tục, chứng từ liên quan đến nhập khẩu xăng, dầu. Mạnh đã chỉ đạo nhân viên, cùng với sự giúp sức của các bị cáo trong vụ án tổ chức buôn lậu 12 chuyến xăng, dầu với số lượng hơn 73,6 triệu lít xăng A92 và 63 triệu lít dầu DO, tổng giá trị hàng hóa hơn 2.000 tỷ đồng.

         
      Tại    phiên tòa, Mạnh khai rằng chỉ là người làm thuê cho Luyện Xuân Tràng    - một nhân vật không có chức vụ gì. Tràng là người đưa Mạnh vào làm    việc tại công ty từ tháng 9/2015 và mỗi tháng trả lương cho Mạnh từ    25 - 27 triệu đồng. Điều đáng nói, gần như toàn bộ bị cáo trong nhóm    tội buôn lậu đều không hề biết thông tin gì về Luyện Xuân Tràng và    bị can này chỉ liên lạc duy nhất với Mạnh.

Được biết công ty DĐHP được cấp phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, trong đó Nguyễn Đức Mạnh là người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên tại phiên tòa, Mạnh khai rằng chỉ là người làm thuê cho Luyện Xuân Tràng - một nhân vật không có chức vụ gì. Tràng là người đưa Mạnh vào làm việc tại công ty từ tháng 9/2015 và mỗi tháng trả lương cho Mạnh từ 25 - 27 triệu đồng. Điều đáng nói, gần như toàn bộ bị cáo trong nhóm tội buôn lậu đều không hề biết thông tin gì về Luyện Xuân Tràng và bị can này chỉ liên lạc duy nhất với Mạnh. Trong quá trình điều tra, Tràng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, quyết định truy nã và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can.

 Xét lời khai của Mạnh tại phiên tòa phù hợp với lời khai của một số cổ đông, ý kiến của luật sư bào chữa và đồng quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, HĐXX nhận định bị cáo Nguyễn Đức Mạnh chỉ là người làm thuê, làm công ăn lương. Việc bị cáo đứng tên cổ đông, 300.000 cổ phần và giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc chẳng qua chỉ là hình thức trên giấy tờ, thực tế bị cáo không có một đồng nào trong số cổ phần đó.

 Bài học cho hành vi đồng lõa

Không phải là người chủ mưu cầm đầu trong việc nhập lậu xăng dầu, không trực tiếp liên hệ, thỏa thuận việc mua xăng, dầu của các công ty nước ngoài, nhưng khi được đưa vào làm việc, Mạnh biết được Luyện Xuân Tràng đã lợi dụng Công ty DĐHP có chức năng nhập khẩu xăng dầu để thực hiện hành vi nhập khẩu số lượng lớn xăng dầu trái phép, nhưng Mạnh vẫn đồng lõa, làm theo mọi sự chỉ đạo của Tràng từ việc ký hợp đồng, đến việc phân công nhiệm vụ cho các nhân viên dưới quyền, đảm bảo từ khâu nhập hàng về cho đến khi xuất bán, thu tiền trả cho các công ty nước ngoài thông qua các dịch vụ chuyển tiền cũng do Tràng chỉ định.

Ngoài ra, để việc nhập lậu xăng dầu được trót lọt, Nguyễn Đức Mạnh và Nguyễn Thanh Sơn (Phó Tổng giám đốc) đã có chủ trương chi 12 triệu đồng cho công chức hải quan mỗi lần đến kiểm hóa, giám sát nhập khẩu xăng dầu.

HĐXX xét thấy các bị cáo phạm tội với vai trò thứ yếu, không được hưởng lợi gì từ việc buôn lậu xăng, dầu. HĐXX đã tuyên Nguyễn Đức Mạnh 8 năm tù tội buôn lậu, 2 năm tù tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù; Nguyễn Thanh Sơn 6 năm tù tội buôn lậu, 2 năm tù tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là 8 năm tù. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 2 năm tù, cho hưởng án treo, đến 5 năm tù giam về các tội buôn lậu, đưa hối lộ… Ngoài ra, hai công chức Chi cục hải quan Bình Thuận gồm Đinh Hữu Thùy 4 năm tù tội nhận hối lộ, Lê Văn Vinh 3 năm tù tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho hưởng án treo, giao về địa phương quản lý.

Đối với Aleria Romel Pagente (quốc tịch Philippines) (thuyền trưởng tàu BTS Christina) phạm tội “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới” nhưng do là người nước ngoài nên HĐXX không xử phạt tù mà chỉ phạt hành chính 500 triệu đồng, đồng thời trục xuất khỏi Việt Nam. Riêng nghi can Luyện Xuân Tràng, HĐXX đã tuyên để Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục truy nã bị can, khi bắt được sẽ xét xử sau.

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ buôn lậu xăng, dầu nghìn tỷ: Sớm đưa người cầm đầu ra ánh sáng