Theo dõi trên

Vụ cá nam: Tàu thuyền cá đầy khoang

20/09/2021, 06:45

BT- Còn hơn 1 tháng nữa, vụ cá nam năm 2021 sẽ kết thúc. Hiện nay, hàng trăm tàu thuyền công suất lớn tranh thủ ra khơi bám biển, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế biển. 

Thuyền cập cảng khoang đầy ắp cá.

Đầy ắp tôm cá, nhưng giá rẻ

Sau nhiều ngày phải nghỉ biển chống dịch Covid-19, 2 chiếc tàu của anh Trần Văn Hải ở La Gi ra khơi đánh bắt, khoang đầy ắp tôm, cá, mực cho hành trình trên biển gần 2 tuần. Dẫu giá thu mua hải sản giảm nhiều, nhưng chủ tàu thu cũng khoảng 140 triệu đồng, 15 thuyền viên còn lại - mỗi người được 8 - 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

 Ông Bạch Lòng (La Gi) cho biết: Ngày 9/9/2021, UBND thị xã La Gi đã có chủ trương cho tàu, thuyền công suất lớn hoạt động trở lại, tạo điều kiện để ngư dân ra khơi bám biển, gia tăng thu nhập. Với chủ trương này ngư dân rất phấn khởi. Nhà tôi có 3 cặp thuyền (6 chiếc) trên 15 m, gắn thiết bị giám sát hành trình, sau mỗi chuyến biển trong vụ cá nam năm nay sản lượng đạt được mấy chục tấn hải sản. Chẳng hạn, chuyến biển vào ngày 12/8/2021, 3 cặp thuyền khai thác được 60 tấn hải sản các loại. Bởi thời tiết thuận lợi, gặp được luồng cá xuất hiện nên các khoang thuyền đầy ắp các loại hải sản. Mỗi thuyền viên chia được 6 - 8 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Nếu giá bán hải sản mà bằng năm ngoái, ắt hẳn anh em thuyền viên có nguồn thu cao hơn. 

Tương tự bà Nguyễn Thị Hương (Mũi Né - Phan Thiết), gia đình bà có 1 tàu đánh hành nghề pha xúc, chủ yếu khai thác cá cơm. Bà Hương chia sẻ: “Mùa cá vụ nam năm nay, tàu của bà đánh bắt được  khoảng 5,5 - 6,8 tấn cá cơm. Nhìn chung, vụ cá nam khai thác có sản lượng nhưng giá bán tại bến cảng cho các thương lái giảm 1/2 so với năm ngoái. Vì vậy, thu nhập của thuyền viên và chủ ghe không đạt như mong đợi”.

Theo các ngư dân, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến phần lớn các mặt hàng hải sản. Mặc dù sản lượng khai thác đạt khá cao nhưng trước tác động của thị trường, năng suất và hiệu quả kinh tế vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, các khoản chi phí như dầu, đá, nhu yếu phẩm cho chuyến biển đều tăng giá cao hơn so với năm ngoái, cộng thêm chi phí test nhanh để đảm bảo cho an toàn phòng chống dịch Covid-19 trước và sau khi ra khơi.

Một số thương lái cho biết: Giá cả thu mua hải sản năm nay thấp hơn năm ngoái từ 40 - 60% giá trị sản phẩm. Đơn cử 1 giỏ cá cơm tươi nặng 17 kg với giá khoảng 240.000 đồng/giỏ năm 2020, nhưng năm nay chỉ còn 120.000 - 130.000 đồng/giỏ. Còn cá cơm hơi ủ (đỏ mình) giá còn 50.000 - 75.000 đồng/giỏ. Với mực lá, mực ống chỉ còn 70.000 đồng/kg, trong khi giá năm ngoái là 200.000 đồng/kg. Tương tự, giá các loại hải sản khác cũng thấp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua hải sản giảm và đẩy giá mặt hàng này xuống thấp. Không chỉ ngư dân gặp nhiều khó khăn, mà cả thương lái cũng thấp thỏm thu mua rồi sợ bán không “trôi hàng”.

 Tranh thủ bám biển giữa mùa dịch

Ghi nhận tại Cảng cá Phan Thiết và Cảng cá La Gi, ngư dân, người lao động luôn tuân thủ thông điệp 5K. Các lực lượng tại cảng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở mọi người thực hiện quy định về phòng chống dịch. Các ngư dân muốn tàu, thuyền xuất bến, thì phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Khi trở về cập cảng, ngư dân tiếp tục khai báo, được xét nghiệm với kết quả âm tính. Sau đó, họ xuống tàu, thuyền sinh hoạt để chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp.

Bà Hương (Phan Thiết) cho biết: Luồng cá đi theo thời tiết và con nước. Đặc biệt vụ cá nam này, tàu thuyền nào cũng phải tranh thủ ra khơi. Lao động biển khan hiếm, các chủ tàu thường xuyên thay đổi thuyền viên. Cứ mỗi lần thay đổi, phải làm test nhanh và báo cáo với biên phòng. Nếu không tuân thủ thực hiện test nhanh bất cứ 1 thuyền viên nào, thì tàu không được xuất bến ra khơi. Chủ tàu sẽ bị xử phạt nếu không báo cáo sự thay đổi thuyền viên.

Theo Đồn Biên phòng Thanh Hải (Phan Thiết), mỗi ngày có khoảng 250 thuyền ra vào Cảng cá Phan Thiết. Hầu như thuyền trưởng, thuyền viên đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, có một số chủ thuyền thay đổi thuyền viên, nhưng không khai báo. Thông qua kiểm tra giám sát, có 35 trường hợp vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền 75 triệu đồng.

Tại La Gi, trong thời gian căng mình chống chọi với dịch Covid-19, các ngư dân được phép đánh bắt hải sản; trong đợt 1 (12/8) với 100 tàu ra khơi và đợt 2 (9/9) - với 294 tàu đang hoạt động khai thác trên biển. Đây là các tàu có công suất lớn, có gắn thiết bị giám sát hành trình vươn khơi đánh bắt, cập cảng với sản lượng khá.

Theo Đồn Biên phòng Phước Lộc (La Gi),  các thuyền viên nhận thức rõ trách nhiệm và sự nguy hiểm của dịch Covid-19, nên tự giác chấp hành các biện pháp phòng dịch, xét nghiệm nhanh trước khi ra khơi và khi tàu cá vào cập cảng. Trong đợt 1 (hồi tháng 8/2021), 1 tàu cá vào cập cảng với 15 thuyền viên được test nhanh Covid-19, thì có 7 người cho kết quả dương tính và 8 người F1 liên quan cùng trên 1 tàu. Trước khi xuất bến ra khơi, kết quả xét nghiệm của 15 thuyền viên đều âm tính. Điều này cho thấy công tác kiểm soát, test nhanh như thế nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm Covid-19 trên tuyến biển với các ngư dân và lao động biển.

Một số ngư dân khẳng định đây là thời điểm của vụ cá nam, thuận lợi cho việc khai thác hải sản. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không để phát sinh các nguồn lây dịch bệnh qua tuyến biển và không làm gián đoạn hoạt động khai thác thủy sản, nên ngư dân tự giác tuân thủ các biện pháp phòng dịch để ra khơi bám biển. Sau các chuyến đánh bắt trong mùa dịch này, phần lớn các tàu khai thác đạt sản lượng khá.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bình Thuận tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp
BTO-Chiều 15/1, UBND tỉnh tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Trả lời những vấn đề được phóng viên quan tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã chủ trì buổi họp báo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ cá nam: Tàu thuyền cá đầy khoang