Phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh: Ngọc Lân |
Đủ kiểu “giấy phép con”
Khi đến văn phòng một số sở, ban, ngành để trao đổi, xác minh những vấn đề người dân phản ảnh, cũng như cần được cung cấp thông tin có liên quan, ngoài thẻ nhà báo, thì hiện phóng viên buộc phải trình thêm giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, mà đó được ví như “giấy phép con” trong tác nghiệp. Cụ thể một số cơ quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, công an, phòng chính sách người có công, tòa án, một số phòng, ban của TP. Phan Thiết... thậm chí cả cấp phường, xã cũng đòi “giấy phép con”. Nói có sách mách có chứng, ngoài các sở “nổi tiếng” yêu cầu trình thêm “giấy phép con” mà phóng viên nào cũng phàn nàn, thì gần đây nhất là UBND phường Xuân An (TP. Phan Thiết), khi chúng tôi đến để xác minh một vấn đề liên quan đến đất đai của một hộ dân, sau khi trình thẻ nhà báo (có ghi cụ thể cơ quan báo đang công tác), những tưởng chúng tôi sẽ được trao đổi, làm việc nhanh gọn, nhưng Chủ tịch phường yêu cầu phải có giấy giới thiệu của cơ quan. Có giải thích, nhưng “phép vua thua lệ làng” và dường như “nhập gia phải tùy tục”, nên để đáp ứng nhu cầu của tòa soạn, chúng tôi đành phải quay về cơ quan xin giấy giới thiệu, rồi trở lại UBND phường để được cung cấp thông tin.
Một trở ngại khác, khi đi cơ sở, địa bàn vùng sâu, vùng xa để phản ánh sự kiện tại địa phương, quá trình tác nghiệp sẽ có những vấn đề cần phải gặp chính quyền địa phương xác minh, trao đổi để hiểu rõ thêm, nhưng đôi lúc cũng bị đòi “giấy phép con”. Đơn cử, tháng qua chúng tôi đi công tác Hàm Thuận Bắc tác nghiệp, liên quan đến một sự kiện dư luận địa phương quan tâm. Trên đường về ghé Công an Hàm Thuận Bắc để xác minh một số vấn đề cần thiết cho bài báo, nhưng đã nhận được câu trả lời từ phía một cán bộ công an: Chị về lấy giấy giới thiệu của Công an tỉnh đến đây. Nghĩ đến cảnh phải chạy xe dưới trời nắng như đổ lửa từ thị trấn Ma Lâm về cơ quan Báo Bình Thuận gần 20 km, để xin giấy giới thiệu, rồi cầm “giấy phép con” này đến Công an tỉnh ngồi chờ để được duyệt, rồi tiếp tục đến Công an Hàm Thuận Bắc để lấy thông tin viết tin tuyên truyền về an ninh, trật tự với khoản nhuận bút hơn 100.000 đồng thì thật lắm nhiêu khê. Đó còn chưa kể việc đã có đủ “giấy phép con” còn phải mất thời gian, bởi chờ bộ phận văn phòng trình lên người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị này sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn trả lời, có nơi còn phải đợi họ trình lại lãnh đạo duyệt, trước khi cung cấp cho báo chí, nên khi chúng tôi nhận được thông tin, thì vấn đề “nóng” đã trở thành “nguội”. Cũng chính điều này, không ít vụ việc không đúng với bản chất, thông tin bịa đặt, cần báo chí kịp thời thông tin lại từ nguồn chính thống, để cho dư luận rõ nhưng chậm trễ làm cho sự việc thêm trầm trọng, gây dư luận không tốt.
Trái luật?
Để có được một tác phẩm báo chí, thực tế không phải dễ chút nào, khi phải đi lấy tư liệu (nắm thông tin, xác minh, kiểm chứng đa chiều) và hơn thế là phải thể hiện tác phẩm có tính logic, đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc. Thế nên, mỗi lần gặp tình huống như kể trên, không ít phóng viên tự đặt câu hỏi, nếu các ngành chức năng yêu cầu “giấy phép con”, thì thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp còn có ý nghĩa gì? Trong khi Luật Báo chí có quy định, phóng viên khi xuất trình thẻ nhà báo là đã chứng minh đầy đủ tư cách pháp lý và quyền hành nghề của mình. Cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, ở mục 4, Điều 25 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo quy định: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Điều này đồng nghĩa với việc, thẻ nhà báo hoàn toàn có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, thì mới cần phải trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp.
Được biết, năm 2014 xôn xao chuyện nhà báo đưa tin tại các phiên tòa phải có giấy giới thiệu, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Vào dự tòa, đã xuất trình thẻ nhà báo, sao còn đòi giấy giới thiệu, sao cứ thích “đẻ” ra giấy phép con nhiều thế? 2 năm sau đó (năm 2016) Luật Báo chí sửa đổi, có ghi rõ trong điều, mục nói trên nhưng cho đến nay vẫn còn cơ quan, đơn vị gây khó cho phóng viên trong việc thông tin trung thực, khách quan các vụ việc mà dư luận quan tâm.
Điều 2, Chương I, Luật Báo chí quy định: Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. |
Lê Ninh