Theo dõi trên

Vững vàng vượt khó, giữ vững niềm tin

21/08/2023, 20:12

Nửa nhiệm kỳ đã qua với muôn vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng, sáng tạo, với tất cả sự nỗ lực, sự quyết tâm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025), đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực.

Bức tranh với những gam màu tươi sáng, cùng với những tín hiệu tích cực sau nửa nhiệm kỳ đã tạo niềm tin, khí thế mới để Bình Thuận tiếp tục “tăng tốc” thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu còn lại trong nửa cuối nhiệm kỳ.

q.jpg

Bức tranh kinh tế - xã hội

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) diễn ra trong các ngày 13, 14, 15 và 16/10/2020. Đại hội đã xác định 23 chỉ tiêu chủ yếu, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá nhằm đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Mục tiêu lớn, quyết tâm cao song khi bắt tay vào thực hiện, Bình Thuận gặp không ít những khó khăn, bất lợi, thậm chí có những tình huống chưa từng có trong tiền lệ. Đó là đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề. Đã từng có những thời điểm những mục tiêu, khát vọng phát triển kinh tế phải đặt sau nhiệm vụ ưu tiên cấp bách là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Mặt khác, tỉnh cũng phải đối mặt với những áp lực lớn là hệ lụy của những xung đột, lạm phát từ bên ngoài, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, trong khi đó nguồn lực đầu tư thì hạn chế.

dsc_0521.jpg

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trước những khó khăn này, Bình Thuận luôn có sự khác biệt khi biết phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn. Bình Thuận đã quán triệt tốt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về việc linh hoạt trong chống dịch và điều hành phát triển các mặt kinh tế - xã hội. Bình Thuận cũng thực hiện có hiệu quả tinh thần biến “nguy” thành “cơ”, biến khó khăn thành động lực phát triển. Đặc biệt, nửa nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao đã có nhiều chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận. Điều đó, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Trung ương mà còn gợi mở, định hướng những chiến lược, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” để đưa Bình Thuận bứt phá vươn lên. Điển hình, tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận. Trong phiên làm việc Thủ tướng đã chỉ rõ “Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bình Thuận phải nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu”.

Được sự hậu thuẫn từ Trung ương, cùng với những đổi mới, sáng tạo trong tư duy và hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và hơn nữa đó là sự chung tay, đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong nửa nhiệm kỳ qua, Bình Thuận đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, tạo chuyển biến bước đầu trong đời sống xã hội.

dsc_3605.jpg

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5,76%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách so với GRDP năm 2021 đạt 13,41%, năm 2022 đạt 11,41%, ước năm 2023 đạt 8,75%. Chi đầu tư phát triển bình quân đạt 38,65%/năm. Chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách địa phương bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 bình quân đạt 38,65%/năm. Thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP bình quân hàng năm trong 2 năm (2021 - 2022) chiếm 41,47%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (theo giá so sánh) năm 2021 đạt 5,46%. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 đạt 0,28%, năm 2022 đạt 0,47%, ước năm 2023 đạt 0,52%. Các ngành kinh tế phát triển tương đối đồng đều, nhiều tiềm năng lợi thế của tỉnh được khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả ngày càng tốt hơn. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 10 nhà máy điện năng lượng tái tạo, với tổng công suất khoảng 362,6 MW, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW, cùng với hệ thống lưới điện được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

254113-missing-filename-file.jpg

Dịch vụ - du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển ấn tượng ngay sau dịch Covid-19, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ chất lượng, mới lạ để thu hút du khách. Từ năm 2021 đến quý I/2023, toàn tỉnh đón 9.578.208 lượt, tăng bình quân trong giai đoạn 2021-2022 đạt 32,27%/năm; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.205 tỷ đồng. Bình quân công suất sử dụng phòng toàn tỉnh đạt khoảng 40-45%. Đặc biệt, năm 2023, Bình Thuận đăng cai năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đây là cơ hội để Bình Thuận sẵn sàng đón làn sóng đầu tư với các dự án chiến lược, quy mô lớn, cũng như tự tin chinh phục nhiều mục tiêu cao hơn nhằm đặt nền móng vững chắc để đột phá trong thu hút đầu tư phát triển.

dsc_1721.jpg

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị. Chăn nuôi được mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị từ con giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, an toàn thực phẩm. Kinh tế biển tiếp tục phát triển cả về khai thác, chế biến, nuôi trồng hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 đạt hơn 231.320 tấn, tăng hơn 4,4%. Sản lượng nuôi trồng đạt hơn 12.600 tấn, tăng hơn 4,5%. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy hải sản vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cố gắng; phong trào chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch đề ra. Các nguồn lực cho đầu tư phát triển tiếp tục được huy động nhiều hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đẩy mạnh đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến, thu hút đầu tư đạt kết quả huy động ngày càng nhiều hơn.

dsc_2967.jpg

Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Hội đồng thẩm định Quốc gia phê duyệt; tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cấp huyện qua đó mở ra những định hướng phát triển mới cho các địa phương. Hoạt động khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông có những chuyển biến tiến bộ rõ nét. Công tác quản lý tài nguyên phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được quan tâm chỉ đạo. Cải cách hành chính ngày càng được phát huy hiệu quả; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh được giữ vững.

Đặc biệt, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu phấn đấu, cũng là chiến lược lâu dài của Đảng bộ tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đến nay, mục tiêu này được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết 12 về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện, cuộc sống của người dân về vật chất cũng như đời sống văn hóa, tinh thần không ngừng được nâng cao. Nhân dân được bảo đảm an ninh, an toàn và thụ hưởng các chính sách an sinh, tiến bộ, công bằng, phúc lợi xã hội. Ước tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,06%.

Sâu sát, toàn diện trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận đạt được những kết quả khá toàn diện. Một trong những điểm nhấn trong nửa nhiệm kỳ qua, đó là tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Giữ trọn lời thề đảng viên” ở các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đảng viên trong toàn tỉnh. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị, giúp mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về niềm vinh dự, tự hào, danh dự và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với lời tuyên thệ trước cờ Đảng, lời hứa trước tổ chức và nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, tự soi, tự sửa, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được triển khai sâu rộng, lan tỏa trong xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điểm, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

hinh-khu-pho.jpg

Các mặt công tác cán bộ được chú trọng theo hướng đồng bộ, kết nối giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Tỉnh cũng đã tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định. Tổng kết việc thực hiện một số quy định về công tác cán bộ và cụ thể hóa hệ thống các văn bản chỉ đạo mới của Trung ương về tổ chức cán bộ. Tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng ngày càng được nâng lên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả phát triển đảng viên mới đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đại hội chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025. Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện nghiêm túc, ngày càng thực chất.

z4488853443568_ad15f8f97355fa1ac153887774ded57f.jpg

Đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc; chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên, nội dung kiểm tra, giám sát ngày càng bám sát hơn yêu cầu công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ của từng cấp ủy, tổ chức Đảng; việc kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm được tập trung. Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao; nhiều vụ việc tồn đọng, nổi cộm được tập trung chỉ đạo giải quyết đạt kết quả. Công tác dân vận được tăng cường, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy, các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên và lan tỏa rộng khắp.

Bứt phá vươn lên

z4623136521317_2e71f6e94a0c0711e9944acd1e5dea85.jpg

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết Đại hội đề ra để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt Đảng bộ chúng ta cần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Quyết tâm xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng bộ vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận nhanh, bền vững trong thời gian sắp tới”.

Thực tế cho thấy, dù tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn nhiều kết quả thật sự chưa được mong muốn và có những hạn chế nhất định. Chính vì vậy mà giai đoạn 2023 - 2025 càng có ý nghĩa rất quan trọng, là bước ngoặt của những quyết sách, công việc có chiều sâu, chất lượng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

sc_1480.jpg

Theo đó, kế thừa những kết quả quan trọng, các cấp, các ngành tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV các cấp và 6 Nghị quyết chuyên đề mà Tỉnh ủy đã ban hành. Trong đó, tập trung giải pháp chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị đó là: Công nghiệp - Du lịch và Nông nghiệp.

Đối với công tác xây dựng Đảng, Bình Thuận sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV để tiếp tục tập trung thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra. Lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy (khóa XIV) đã ban hành. Tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong tỉnh phải chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tận dụng, phát huy tối đa các cơ hội, lợi thế và các điều kiện thuận lợi khác; khắc phục có hiệu quả những mặt còn hạn chế, khuyết điểm. Thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển”. Tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu công tác xây dựng Đảng đã đề ra.

screenshot_1692626353.png

Chúng ta tin tưởng rằng, từ kết quả của nửa nhiệm kỳ đầu Đại hội XIV sẽ tiếp tục là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đã đề ra. Có như vậy, mục tiêu một Bình Thuận phát triển xanh, nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch sẽ sớm thành hiện thực.

Thành quả không đến một cách tự nhiên. Để đạt được điều ấy đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến khát vọng đổi mới, phát triển, quyết tâm vượt mọi khó khăn bằng tinh thần đoàn kết, thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và mỗi người dân trong tỉnh.

THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: 
​Mãi tự hào về một “Mùa thu lịch sử”
BTO-Tháng Tám về, mỗi người dân đất Việt lại nhớ và tự hào về mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thành công của “Mùa thu lịch sử” không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, đầy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vững vàng vượt khó, giữ vững niềm tin