Trong diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh, hôm 20/8, Qatar đã ngăn một số máy bay Saudi Arabia được điều sang Doha để chở người hành hương tới thánh địa Mecca hạ cánh tại sân bay quốc tế Hamad.
Máy bay của hãng hàng không Saudi Arabia. Ảnh: israellycool. |
Động thái này diễn ra vài ngày ngay sau khi Saudi Arabia mở cửa trở lại biên giới đất liền tiếp giáp Qatar. Nó một lần nữa cho thấy, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh chưa dễ hạ nhiệt.
Truyền thông Saudi Arabia hôm 20/8 đưa tin, các nhà chức trách Qatar đã không cho phép các máy bay của nước này hạ cánh ở Doha, với lý do không có đầy đủ các giấy phép chuẩn, bất chấp việc các hãng hàng không Saudi Arabia khẳng định đã xuất trình các giấy tờ này trước đó 2 ngày.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc của Hãng hàng không Saudi Arabia (Saudi Arabian Airlines), Saleh al-Jasser cũng xác nhận hãng hàng không này đã không thể sắp xếp được các chuyến bay để vận chuyển khách hành hương Qatar từ sân bay quốc tế Hamad tại thủ đô Doha tới thánh địa Mecca, bởi chính quyền Qatar không cho phép các máy bay hạ cánh.
Sở dĩ các hãng hàng không tư nhân của Saudi Arabia được phép tới Doha để vận chuyển khách Qatar hành hương là do hãng hàng không Qatar Airways không được phép bay qua không phận của Saudi Arabia sau lệnh phong tỏa không phận áp dụng từ đầu tháng 6 vừa qua. Trong bối cảnh đó, Quốc vương Saudi Arabia đã ra lệnh mở cửa trở lại biên giới, tiếp giáp với Qatar, nhằm cho phép người dân nước này thực hiện cuộc hành hương trở về Thánh địa Mecca trong mùa hành hương năm nay từ ngày 17/8.
Chính quyền Qatar đã hoan nghênh quyết định mở cửa biên giới từ phía Saudi Arabia, tuy nhiên vẫn cáo buộc nước này đang “chính trị hóa” sự kiện tôn giáo linh thiêng của người Hồi giáo.
Qatar đã bày tỏ quan ngại về việc đảm bảo an toàn cho các công dân nước này hành hương đến Saudi Arabia.
Trong chuyến thăm Na Uy, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết, các nhà chức trách Saudi Arabia vẫn chưa trả lời các thắc mắc của Bộ Các vấn đề Hồi giáo Qatar liên quan đến vấn đề an ninh của công dân nước này trong suốt quá trình diễn ra lễ hành hương Haji.
Ông Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho rằng mối bận tâm lớn nhất đối với Qatar là mức độ căng thẳng giữa hai quốc gia và việc ngôn ngữ và giọng điệu của các phương tiện truyền thông Saudi Arabia truyền bá sự hận thù chống lại người dân Qatar.
Theo một nhà phân tích khu vực của Saudi Arabia, hiện quan điểm chính trị giữa Qatar và 4 nước Arab vẫn còn nhiều điểm khác biệt.
Mặc dù việc mở lại biên giới là một hành động thiện chí của Saudi Arabia, nhằm truyền tải một thông điệp tới thế giới, rằng Saudi Arabia chưa bao giờ có ý định “chính trị hóa vấn đề tôn giáo” nhưng hành động này chưa thể làm “tan băng” cuộc căng thẳng vùng Vịnh hiện nay. Thậm chí, theo các chuyên gia, Saudi Arabia buộc phải làm như vậy vì không thể ngăn cản những người Arab hành hương tới Mecca, dù ở bất kỳ quốc gia nào.
Chuyên gia Abdu Rahman Al-Murshed cho biết: “Saudi Arabia chào đón người hành hương đến từ tất cả các nước trên thế giới, kể cả Qatar. Trên thực tế, Saudi Arabia cũng đã cắt đứt quan hệ với Iran trước đó, nhưng nước này vẫn mở cánh cửa để chào đón những khách hành hương đến từ quốc gia này”.
Quyết định mở cửa biên giới đón khách hành hương Qatar được đưa ra sau khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman lần đầu tiên tiếp đón một phái đoàn ngoại giao đến từ Qatar, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.
Đình Nam/VOV