Theo dõi trên

Xã vùng cao Đông Giang cán đích công tác Dân số/ KHHGĐ bằng những cách làm thiết thực

17/12/2019, 16:45

BTO- Là 1 trong 3 xã vùng cao thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là những quan niệm lỗi thời “trời sinh voi sinh cỏ” vẫn còn ăn sâu trong nếp sống, cách nghĩ của đồng bào. Thế nhưng 6 năm gần đây xã Đông Giang luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về Dân số/ KHHGĐ huyện giao.

Với hơn 830 hộ/3.180 khẩu, xã Đông Giang tập trung phần lớn đồng bào dân tộc K’Ho sinh sống. Trước năm 2010, khi công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình tại địa phương ít được chú trọng, tỉ suất sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Đông Giang luôn ở mức cao, đã tác động không nhỏ đến công tác giảm nghèo nơi đây. Chẵng những không thể thoát nghèo, mà tình hình trẻ suy dinh dưỡng cũng là hệ lụy đeo bám những cặp vợ chồng sinh đông con; kéo theo tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương chậm phát triển. Sau thời điểm đó, xác định sinh đẻ không kế hoạch, đẻ nhiều và đẻ dày là mấu chốt dẫn đến cái nghèo, nên cấp ủy, chính quyền xã Đông Giang đã tập trung vào vận động nhân dân sinh đẻ có kế hoạch, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu nhằm thu hút rộng rãi các cặp vợ chồng cùng tham gia. Trong công tác tuyên truyền, xã giao Ban chuyên trách dân số xã đảm nhận xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai vận động; và công tác này được thực hiện hàng tháng, hàng quý, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoặc các hoạt động tập trung… Đặc biệt, mỗi khi vào mùa nương rẫy thì cán bộ chuyên trách dân số xã cùng 4 cộng tác viên ở địa bàn trực tiếp lội suối, trèo đèo, đi gặp gỡ trực tiếp từng đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để vận động, thuyết phục.  

Sinh ít con để có điều kiện xây dựng gia đình, xây dựng xóm làng no ấm, hạnh phúc - Đó là câu mở đầu thường xuyên của chị K’ Thị Hằng, cán bộ chuyên trách dân số xã Đông Giang trong các buổi tiếp xúc với các cặp vợ chồng ở địa phương. Chị Hằng cho biết, bản thân chị cũng là người dân tộc, sống gắn bó với đồng bào nên chị thấu hiểu từng hoàn cảnh, tâm lí và mong muốn của bà con; đây cũng là lợi thế  trong quá trình trao đổi, vận động đồng bào sinh ít con để xây dựng cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, theo chị cũng có trường hợp rất khó vận động, nhất là những cặp vợ chồng mới sinh 1 hoặc 2 con; hoặccó tư tưởng sinh đông con để có người làm nương rẫy, phụ giúp công việc nhà. Đối với những trường hợp này chị phải khéo léo phân tích, lựa chọn thời gian phù hợp để tiếp cận tìm cách thuyết phục. Lâu dần thành quen, từ chỗ ngại gặp gỡ, thì các cặp vợ chồng chủ động phối hợp, nghiệm ra lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch nên chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

Cũng theo chị K’ Thị Hằng, để tránh những trường hợp đã đăng kí nhưng không thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, mỗi khi vận động được đối tượng tự nguyện đặt vòng hoặc đình sản, thì Ban chuyên trách dân số xã lập tức lên danh sách đăng ký và tổ chức đưa đi thực hiện ngay. Những trường hợp đăng ký đặt vòng hay đình sản, bản thân chị sẵn sàng chở chị em đến tận các cơ sở y tế để thực hiện các dịch vụ đảm bảo an toàn. Chính nhờ sự chủ động, tích cực này đã nhân lên kết quả thực hiện KHHGĐ ở địa phương, các cặp vợ chồng chưa áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại thì tự nguyện đăng ký thực hiện ngày càng nhiều. Nhờ đó, các chỉ tiêu về KHHGĐ ở xã Đông Giang luôn đạt và vượt theo từng năm. Điển hình, trong năm 2019, xã vận động được 1/1 ca đình sản, đạt 100% và 25/20 ca đặt vòng, vượt 25%; riêng các biện pháp tránh thai khác như bao cao su, thuốc uống và thuốc tiêm đều vượt kế hoạch huyện giao. Đến nay, toàn xã Đông Giang có 539 chị phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng thì trong đó đã có 350 chị đang áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm tỉ lệ hơn 64%. Tỉ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng cũng đồng nghĩa với tỉ suất sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 ở xã địa phương giảm mạnh. Đáng chú ý là tỉ lệ sinh con thứ 3 luôn giảm theo hướng bền vững, từ 21,6% ở năm 2012, xuống 12,07% vào năm 2016 và giảm còn 11% vào cuối năm 2019.

Kết quả đạt được trong công tác Dân số /KHHGĐ không chỉ góp phần ổn định qui mô dân số, tạo điều kiện phát triển bộ mặt dân kinh kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Giang, mà còn đánh  dấu sự nỗ lực cố gắng lớn trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò nồng cốt của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã cùng những cách làm sáng tạo và đầy trách nhiệm trong vận động tuyên truyền, hướng đồng bào thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giảm sinh để giảm nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm.

 Linh Nguyễn 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xã vùng cao Đông Giang cán đích công tác Dân số/ KHHGĐ bằng những cách làm thiết thực